Từ đầu tháng 3, tàu đánh cá Trung Quốc—rõ ràng huộc về lực lượng dân quân biển quốc gia—đã hoạt động gần hai thực thể do Philíppin nắm giữ tại Quần đảo Trường Sa đang tranh chấp: Đảo Loại Ta và Đảo Loại Ta Tây, được người Philíppin gọi là Đảo Kota và Đảo Panata. Báo chí Philíppin bắt đầu báo cáo sự hiện diện của lực lượng dân quân này vào đầu tháng 4, khiến chính phủ phải nói rằng họ sẽ đưa ra phản đối tới Bắc Kinh. Điều này diễn ra cùng lúc căng thẳng giữa hai bên tăng cao vì bắt đầu xuất hiện một đội tàu lớn hơn của Trung Quốc từ tháng 12 năm 2018 gần đảo Thị Tứ do Philíppin chiếm đóng. Trong vài tuần qua, các quan chức Philíppin đã gửi công hàm phản đối và đưa ra những lời lên án công khai chống lại Bắc Kinh. Việc triển khai đó dường như nhằm ngăn cản Manila tiếp tục những nâng cấp cơ sở hạ tầng khiêm tốn trên Đảo Thị Tứ.

Đảo Loại Ta nằm cách khoảng 24 hải lý về phía nam của Đảo Thị Tứ và căn cứ không quân và hải quân lớn của Trung Quốc trên Đá Xu Bi. Nó có diện tích chỉ 20 mẫu đất, bằng một phần năm kích thước của Đảo Thị Tứ và có một đồn trú quân sự nhỏ của Philíppin trên đó từ năm 1978, nhưng có rất ít cơ sở hạ tầng. Tiền đồn của Philíppin trên Đảo Loại Ta Tây, nằm cách 5,5 hải lý về phía tây bắc, tọa lạc trên một bãi cát nhỏ diện tích bằng 2 mẫu đất. Do một lỗi bản đồ từ lâu, cơ sở này thường được mô tả không chính xác là nằm trên Đá An Nhơn, nằm cách 21 hải lý về phía đông.

Hình ảnh vệ tinh thu thập được vào ngày 12, 16, và 29 tháng 3, và ngày 7 tháng 4 đã xác nhận sự hiện diện của các tàu Trung Quốc trong khu vực, hầu hết trong số đó cho thấy mọi dấu hiệu thuộc về lực lượng dân quân biển. Trong hầu hết mọi trường hợp, các tàu đều đang neo đậu, nhiều tàu tập hợp thành các nhóm lớn và không có ngư cụ đang sử dụng trên biển. Vào ngày 12 tháng 3, một tàu cá của Trung Quốc dài khoảng 50 mét được nhìn thấy gần Đảo Loại Ta. Bốn ngày sau đó, con số đó đã tăng lên thành tám tàu cá lớn. Và đến ngày 29 tháng 3, có ít nhất 15 tàu đánh cá lớn của Trung Quốc và tám thuyền nhỏ trong khu vực.

Mười ba trong số các tàu Trung Quốc trong khu vực được ước tính dài khoảng 50 mét và hai chiếc dài khoảng 20 mét. Một số tàu nằm cách Đảo Loại Ta từ 2 đến 2,5 hải lý, và một tàu lảng vảng về phía Đông gần Đá An Nhơn chưa bị chiếm đóng, nhưng hầu hết nằm rải rác quanh Đảo Loại Ta Tây. Không tàu nào thực hiện đánh bắt cá hay có vẻ đang dùng ngư cụ cả.

Bốn tàu cá của Trung Quốc đang neo đậu cách tiền đồn Philíppin tại Đảo Loại Ta Tây chưa đến nửa hải lý, gần hơn đáng kể so với những lần AMTI từng thấy các tàu dân quân tiếp cận một cơ sở khác của quốc gia này trước đó. Điều này đặc biệt mang tính khiêu khích đối với biệt đội Philíppin trên đảo, những người nhiều khả năng dựa vào tiếp tế và cứu trợ thường xuyên từ Đảo Loại Ta.

Khoảng 1 hải lý về phía đông của Đảo Loại Ta Tây, một tàu đổ bộ vận tải lớp LST-542 của Hải quân Philíppin đã được triển khai trong tầm nhìn của hai tàu cá Trung Quốc. Con tàu từ thời Thế Chiến Thứ Hai này, có thể là BRP Benguet hoặc BRP Laguna, cùng lớp với BRP Sierra Madre mà Philíppin cố tình để mắc kẹt vào Bãi Cỏ Mây vào năm 1999.

Hai tàu Trung Quốc dài 20 mét trong khu vực đang kéo ba chiếc thuyền nhỏ mỗi tàu. Hai trong số những chiếc thuyền nhỏ này có thể nhìn thấy đang di chuyển về phía đông nam từ vùng lân cận của Đảo Loại Ta Tây. Những tàu này trông giống như “tàu loại chopper” và tàu mẹ thường được trông thấy thu hoạch ngao khổng lồ bằng cách cố ý phá hủy rạn san hô quanh Biển Đông, gần đây nhất tại Bãi cạn Scarborough. Không thấy xuất hiện các vết lởm chởm mới trên các rặng đá ngầm trong các hình ảnh vào ngày 29 tháng 3 hay các hình ảnh sau đó, vì vậy những chiếc thuyền này có thể đã thực hiện các loại đánh cá khác tại rặng đá ngầm. Hoặc, giống như các tàu lớn hơn của Trung Quốc, các tàu này đã bỏ việc đánh bắt cá để phục vụ cho lực lượng dân quân biển.

Trong một hình ảnh khác từ ngày 7 tháng 4, chỉ có sáu tàu lớn và hai chiếc thuyền nhỏ được nhìn thấy gần các thực thể, mặc dù nhiều thuyền nhỏ có thể xuất hiện nhưng không nhìn thấy được. Tàu thuyền bao gồm hai tàu cá dài 50 mét đang neo đậu, ba tàu trong số đó là dài 20 mét, bao gồm một tàu kéo hai chiếc thuyền nhỏ cách Đảo Loại Ta Tây chưa đến nửa hải lý và một tàu thả lưới dài 50 mét đang dùng ngư cụ của mình. Đó là lần duy nhất thấy được một tàu lớn của Trung Quốc có vẻ như đang đánh cá trong bất kỳ hỉnh ảnh nào.

Một hình ảnh gần đây hơn từ ngày 14 tháng 4 cho thấy không có tàu nào gần Đảo Loại Ta, nhưng nó không chụp tới Đảo Loại Ta Tây, vì vậy không rõ liệu tàu Trung Quốc có còn ở gần đó hay không. Trong mọi trường hợp, việc triển khai kéo dài một tháng này xung quanh hai thực thể cho thấy rằng đội tàu quanh Đảo Thị Tứ không phải là sự cố chỉ xảy ra một lần. Như nghiên cứu trước đây đã chỉ ra, lực lượng dân quân biển đang và có khả năng sẽ vẫn là cánh tay thể hiện quyền lực rõ ràng nhất của Trung Quốc hướng tới các nước láng giềng ở Quần đảo Trường Sa.