Ảnh chụp vệ tinh từ ngày 28 tháng 4 tiết lộ hình ảnh đầu tiên của một chiếc máy bay quân sự (Thiểm Tây Y-8) được căn cứ của Trung Quốc tại Đá Xu Bi thuộc Quần đảo Trường Sa. Thông tin này đến sau khi truyền thông Trung Quốc đưa tin từ tháng 3 năm 2018 về một chiếc Y8 hạ cánh xuống bãi đá này để giải cứu một ngư dân gặp nạn. Y-8 được thiết kế với mục đích vận tải quân sự, nhưng một số phiên bản khác nhau của máy bay này có thể dùng để tuần tra biển hoặc tình báo tín hiệu. Đây là điều đặc biệt đáng lo ngại đối với Philíppin, quốc gia hiện có khoảng 100 thường dân và một đơn vị nhỏ trên Đảo Thị Tứ chỉ cách Đá Xu Bi 12 hải lý.
Những sự triển khai gần đây khẳng định rằng máy bay quân sự đã đặt chân xuống cả ba đường băng của Trung Quốc ở Quần đảo Trường Sa. Đầu tiên là chiếc “máy bay tuần tra hải quân”, có thể là loại Y-8 hoặc một máy bay tương tự, hạ cánh xuống Đá Chữ Thập vào tháng 4 năm 2016 để sơ tán 3 người bị bệnh. Trong tháng trước, tờ Philippine Daily Inquirer đăng một bức ảnh trên không chụp vào ngày 6 tháng 1 cho thấy 2 chiếc máy bay quân sự Tây An Y-7 trên Đảo Vành Khăn. Đây là một hành động khiêu khích đối với Philíppin vì phán quyết của trọng tài trong năm 2016 đã quy định rằng Đảo Vành Khăn nằm trong thềm lục địa Philíppin.
Ngoài các máy bay tuần tra và vận tải, Trung Quốc gần đây đã triển khai các phương tiện quân sự khác tới “Bộ Ba” tiền đồn ở Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi. Ngày 9 tháng 4, tờ Wall Street Journal đăng các hình ảnh vệ tinh do chính phủ Mỹ ủy nhiệm cho thấy ba xe tải mang theo thiết bị gây nhiễu quân sự tại Đá Vành Khăn hồi tháng 3. Bài báo dẫn lời một quan chức Hoa Kỳ cho biết các hệ thống gây nhiễu cũng đã được triển khai tại Đá Chữ Thập. Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) đã xác nhận rằng các hệ thống này xuất hiện rõ ràng trong ảnh vệ tinh chụp Đá Vành Khăn ít nhất từ giữa tháng 2, và vẫn còn tồn tại cho đến ngày 6 tháng 5 mặc dù đã được ngụy trang.
Sau đó, vào ngày 2 tháng 5, hãng tin CNBC dẫn lời nguồn tin tình báo Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc đã triển khai các tên lửa hành trình đối hạm YJ-12B và hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9B trên mỗi đá cho đợt diễn tập quân sự đầu tháng 4. Trung Quốc đã xây dựng khoang chứa tên lửa trên các đảo vào đầu năm 2017, nhưng đợt triển khai tháng 4 là lần đầu xác nhận được việc có lắp đặt những bệ tên lửa như vậy trên các đảo. Hiện vẫn chưa rõ những bệ tên lửa có còn ở đó hay đã được dời đi sau khi diễn tập (khó có thể xác nhận việc này bằng hình ảnh nếu tên lửa được cất trong khoang chứa hay các tòa nhà khác).
Hầu hết những vụ triển khai quân sự của Trung Quốc gần đây trên Bộ Ba đều theo mô hình trước đó tại Đảo Phú Lâm, tiền đồn lớn nhất và là trung tâm điều hành của nước này trên Quần đảo Hoàng Sa. Từ hoạt động nạo vét cảng biển và cải tạo đường băng cho đến việc xây dựng nhà chứa và ra đa, cũng như hoạt động nâng cấp trên Đảo Phú Lâm, tất cả đều phục vụ kế hoạch hành động sắp tới của Trung Quốc trên Quần đảo Trường Sa ở phía nam. Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc đã triển khai các tên lửa HQ-9 và tên lửa hành trình đối hạm (YJ-62) trên Đảo Phú Lâm trong năm 2016. Ảnh vệ tinh cũng chụp được 5 máy bay Y-8 trên đảo hồi tháng 11 năm 2017.
Với những cơ sở quân sự tương tự hiện đã có mặt tại Bộ Ba, có thể coi những đợt triển khai quân sự gần đây ở Đảo Phú Lâm là tín hiệu cho những gì sắp diễn ra ở Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi. Trung Quốc đã nhiều lần triển khai máy bay chiến đấu J-10 và J-11 tới Đảo Phú Lâm. Cuối tháng 10 năm 2017, quân đội Trung Quốc công bố các hình ảnh và video cho thấy chiếc máy bay J-11B đã có mặt ở đảo Phú Lâm để diễn tập. Ảnh vệ tinh xác nhận rằng những chiếc J11 đã đáp xuống hòn đảo này trước đó vào tháng 4 năm 2016 và tháng 3 năm 2017. Do Trung Quốc đã xây dựng các nhà chứa máy bay chiến đấu trên Đảo Phú Lâm giống hệt như trên Bộ Ba, nên rất có khả năng J-10 và J-11 sẽ sớm được nam tiến ra Quần đảo Trường Sa.
Hình ảnh vệ tinh từtháng 4 năm 2016 cũng chụp được những máy bay được cho là trực thăng vận tải Cáp Nhĩ Tân Z-8 và máy bay không người lái Cáp Nhĩ Tân BZK-005 trên Đảo Phú Lâm. BZK-005 là máy bay không người lái có thể bay cao, trinh sát trong thời gian dài, rất phù hợp để tuần tra biển. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Trung Quốc thực hiện những đợt triển khai tương tự ở Trường Sa.
Những hoạt động triển khai hệ thống tên lửa và không quân hiện tại và dự kiến của Trung Quốc tại Trường Sa và Hoàng Sa đang mở rộng khả năng viễn chinh từ các đồn trú của quốc gia này.
Theo dõi Tàu thuyền Trên biển
Bộ Ba đều có hai căn cứ không quân và hải quân. Những căn cứ này hỗ trợ cho sự lớn mạnh không ngừng của Hải quân Giải phóng Nhân dân (PLAN), Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) và sự hiện diện của đội tàu đánh cá trên khắp khu vực phía nam của Biển Đông. Hình ảnh vệ tinh cho thấy các tàu khu trục, tàu hộ tống và các loại tàu chiến khác của PLAN, cũng như tàu tuần tra của CCG thường ghé thăm các đảo nhân tạo, cùng nhiều tàu phụ trợ và hậu cần. Phải thừa nhận rằng hình ảnh vệ tinh chỉ chụp được hình ảnh của những tàu đang ở trong cảng (thay vì khi làm nhiệm vụ tuần tra) tại một thời điểm nhất định nên khó có thể đưa ra nhận định toàn cảnh về việc triển khai tàu hải cảnh và hải quân. Tuy nhiên, sự hiện diện của tàu PLAN và CCG trong các hình ảnh chụp Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi từ đầu năm 2017 phần nào cho thấy sự bành trướng của PLAN và CCG tại các căn cứ quân sự trên đảo.
AMTI đã nhận diện nhiều nhất có thể các tàu PLAN và CCG trong các ảnh chụp từ tháng 1 năm 2017, sau đó chọn ra ảnh đại diện cho mỗi lớp tàu như dưới đây. Ví dụ: nhiều tàu hộ tống Loại 053 của Hải quân Trung Quốc được nhìn thấy tại Bộ Ba, bao gồm cả những tàu hộ tống được cho là Loại 053H1, Loại 053H1G và Loại 053H3.
Tàu khu trục lớp Lữ Hải Loại 051B chỉ gồm một tàu – tàu DDG 167 Thâm Quyến. Khi được đóng vào những năm 1990, Thâm Quyến là chiến hạm lớn nhất của Hải quân Trung Quốc, dù sau đó có nhiều kiểu tàu khu trục mới hơn. Gần đây, Hải quân Trung Quốc đã thay mới hệ thống vũ khí lạc hậu của tàu Thâm Quyến để đáp ứng nhu cầu chiến đấu hiện đại.
Hình ảnh cho thấy tàu hộ vệ lớp Giang Đảo Loại 056 ghé thăm hòn đảo, bao gồm ảnh vào tháng 6 năm 2017 chụp hai tàu hộ vệ đang được neo tại cùng một bến tàu trên Đá Vành Khăn.
Một số tàu đổ bộ khác nhau Loại 072, cũng như một tàu đổ bộ Loại 073A, được nhìn thấy ở Bộ Ba. Tàu đổ bộ Loại 072 cỡ lớn có khả năng vận chuyển và đổ bộ xe tăng, phương tiện hạng nặng, cũng như tàu đệm khí trong các chiến dịch đổ bộ. Loại 073A cỡ vừa dùng để chở xe tăng nhỏ hơn hoặc binh lính cho các chiến dịch tương tự.
Hai tàu do thám AGI – một tàu Hải Dương và một tàu Loại 815G – được nhìn thấy tại bến cảng ở các tiền đồn trên Quần đảo Trường Sa. Loại 815G dường như là tàu Hải Vương Tinh 852, tàu này được phát hiện theo dõi cuộc tập trận chung Talisman Sabre giữa Hoa Kỳ và Úc vào năm 2017.
Ngoài nhiều loại tàu tương tự mà AMTI đã đưa tin về các cuộc tuần tra trong Cụm bãi cạn Luconia ngoài khơi Malayxia, các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc được nhìn thấy tại các tiền đồn bao gồm một vài tàu hộ tống cũ lớp Giang Hỗ loại 053H của PLAN, nay được đổi tên thành WFF Giang Hỗ 1.
Cuối cùng, ngoài những tàu chiến và tàu chấp pháp thì hàng loạt các tàu hỗ trợ bao gồm tàu bồn, tàu kéo, tàu tiếp tế, cũng như một tàu khảo sát hải dương học Loại 639 cũng đã được nhìn thấy.