Cập nhật ngày 9 tháng 8 năm 2017

Vào ngày 6 tháng 8, các quan chức tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 ở Manila đã chậm trễ đưa ra thông cáo chung sau cuộc tranh luận kéo dài. Văn kiện này suýt nữa đã không được đưa ra do bất đồng liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông, trong đó Việt Nam đi đầu trong việc thúc đẩy tiếng ngôn ngữ mạnh mẽ hơn bất chấp những phản đối của Campuchia và nước chủ nhà Philíppin. Sau cùng, Hội nghị đã đi đến nhất trí về thông qua ngôn ngữ mạnh mẽ hơn đáng kể so với dự thảo do Manila soạn ra trước đó. Cùng với những thay đổi khác, thông cáo nêu “những quan ngại mà một số Bộ trưởng bày tỏ về công tác cải tạo đất và các hoạt động khác trong khu vực gây xói mòn niềm tin và sự tín nhiệm…,” đồng thời “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa.”

Trung Quốc đã phản đối tuyên bố được củng cố và cáo buộc Việt Nam là quốc gia duy nhất cải tạo đất ở Biển Đông. Bộ trưởng ngoại giao Trung quốc Vương Nghị khẳng định: “Vào thời điểm này, nếu hỏi rằng nước nào đang tiến hành cải tạo thì đó chắc chắn không phải Trung Quốc – có lẽ chính quốc gia đưa ra vấn đề này đang làm điều đó.” Bất ngờ hơn là việc bộ trưởng ngoại giao Philíppin Alan Peter Cayetano quyết định ủng hộ lập trường của Trung Quốc sau khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc. Liên quan đến việc đề cập hoạt động cải tạo đất và quân sự hóa trong tuyên bố, ngài Cayetano phát biểu: “Tôi đã không muốn bao hàm vấn đề đó. Điều đó không phản ánh lập trường hiện tại. Họ (Trung Quốc) hiện không còn cải tạo đất nữa.”

Tuy nhiên, điều này là không đúng sự thật.

AMTI đã cẩn trọng theo dõi và ghi chú về hoạt động mở rộng cơ sở của Việt Nam ở Quần đảo Trường Sa, trong đó có công tác cải tạo và nạo vét tại một số hòn đảo nhỏ (xem tại đây, đây, hoặc đây). Tuy nhiên, hoạt động cải tạo của Trung Quốc đã không chấm dứt vào giữa năm 2015 khi nước này hoàn tất xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Bắc Kinh tiếp tục cải tạo đất thêm về phía Bắc ở Quần đảo Hoàng Sa. Hai ví dụ gần đây nhất của tình trạng này diễn ra ở Đảo Cây và Đảo Bắc thuộc Nhóm đảo An Vĩnh. Trước đây AMTI từng báo cáo về việc cải tạo tại các địa điểm này (xem bên dưới) và hoạt động đó đã tiếp tục trong những tháng gần đây.

 

Vào tháng 8 năm 2015, hai tháng sau khi ngài Vương Nghị tuyên bố rằng mọi hoạt động cải tạo của Trung Quốc đã chấm dứt, chỉ có một lượng nhỏ đất mới tạo nằm ở phía Tây của Đảo Cây. Kể từ đó, Trung Quốc đã tiến hành nạo vét một cảng mới và bồi đắp thêm khoảng 25 mẫu đất bổ sung cho hòn đảo (tương đương khoảng 10 héc ta). Ngoài các cơ sở mà AMTI đã báo cáo vào tháng 2, gần đây Trung Quốc đã hoàn thành một bãi đáp trực thăng mới và lắp đặt cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo với các tua bin gió và hai bảng quang điện mặt trời trên Đảo Cây.

 

Trung Quốc bắt đầu hoạt động cải tạo nhằm nối liền Đảo Bắc với Đảo Giữa trong năm 2016. Tuy nhiên, cầu nối đất liền giữa hai đảo này đã bị Bão Sarika phá hủy vào tháng 10 năm ngoái. Kể từ đó, Trung Quốc đã tiến hành thêm các hoạt động cải tạo ở phía Nam của đảo Bắc và xây dựng một bức tường chắn bao quanh khoảng 7 mẫu đất mới (tương đương khoảng 2,8 héc ta) để ngăn chặn sự xói mòn lan rộng. Trung Quốc đã xây dựng nhiều cơ sở mới, trong đó dường như có cả một tòa nhà hành chính lớn nằm trong khu đất mới tạo trên đảo. Trung Quốc đã để lại một khoảng trống trong bức tường chắn hướng về phía tàn tích của cầu nối đất liền đã bị phá hủy. Điều đó cho thấy quốc gia này có thể chưa từ bỏ kế hoạch nối liền Đảo Bắc và Đảo Giữa.

Biển Đông không chỉ bao gồm Quần đảo Trường Sa, những hoạt động trên Quần đảo Hoàng Sa cũng là một vấn đề gây mất ổn định và nhiều nhức nhối với Hà Nội. Việt Nam và tất cả các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Đông Nam Á cũng quan tâm đến việc ngăn chặn hoạt động xây dựng đảo trong tương lai, chẳng hạn như ở Bãi cạn Scarborough. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều đã tiến hành công tác cải tạo và nạo vét vào đầu năm 2017. Mặc dù không bên nào tiếp cận quy mô mà Trung Quốc đã thực hiện từ cuối năm 2013 cho đến giữa năm 2015, nhưng mọi hoạt động như vậy đều có gây hại môi trường, làm suy yếu sự ổn định của khu vực và chứng thực cho nội dung được đề cập trong các tuyên bố ngoại giao.


Đăng lần đầu vào ngày 8 tháng 2 năm 2017

Trong khi việc Trung Quốc mở rộng bảy tiền đồn ở Quần đảo Trường Sa nhận được nhiều sự quan tâm trong dư luận kể từ khi nước này bắt đầu nạo vét các bãi đá trên với quy mô lớn vào cuối năm 2013, nhưng những nỗ lực tân trang ở khu vực phía bắc Quần đảo Hoàng Sa lại nhận được khá ít sự quan tâm. Chuỗi đảo này đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu thiết lập khả năng giám sát và thị uy sức mạnh trên khắp Biển Đông của Trung Quốc. Để đạt được điều này, Bắc Kinh đã tân trang đáng kể cơ sở hạ tầng quân sự ở Quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc hiện chiếm đóng 20 tiền đồn ở Quần đảo Hoàng Sa. Theo bản đồ ở trên, ba trong số này hiện đã có các cảng được bảo vệ chặt chẽ và có khả năng chứa số lượng lớn các tàu hải quân và dân sự. Bốn tiền đồn khác có các cảng nhỏ hơn, và cảng thứ năm cũng đang được xây dựng trên Đảo Duy Mộng. Năm đảo đã có sân đỗ cho trực thăng và Đảo Quang Hòa có một căn cứ trực thăng hoàn thiện. Và đảo lớn nhất thuộc Quần đảo Hoàng Sa, Đảo Phú Lâm, có đường băng, nhà chứa máy bay và trận địa tên lửa đất đối không HQ-9.

Đảo Phú Lâm

Đảo Phú Lâm, được mở rộng để nối liền Đảo Đá liền kề, là căn cứ quân sự chính của Trung Quốc trên Quần đảo Hoàng Sa và cũng đồng thời là trung tâm hành chính chính thức của ba chuỗi đảo mà Trung Quốc tự tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông (Tam Sa hay Quần Đảo Hoàng Sa, Nam Sa hay Quần đảo Trường Sa và Trung Sơn, bao gồm bãi ngầm Macclesfield và bãi cạn Scarborough). Trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo đất với qui mô lớn để mở rộng đảo Phú Lâm và xây dựng các công trình mới. Trung Quốc đã tôn tạo đáng kể hai bến cảng khép trên đảo và tân trang căn cứ không quân để đưa vào 16 nhà chứa nhỏ cho máy bay chiến đấu cũng như bốn nhà chứa lớn hơn. Đáng lo ngại nhất là Trung Quốc đã triển khai tên lửa đất đối không HQ-9 tới đảo vào đầu năm 2016. Mặc dù đã có báo cáo trong tháng 7 rằng hệ thống tên lửa đã được chuyển đi nhưng có vẻ như chúng vẫn được triển khai dọc theo bờ phía bắc của Đảo Phú Lâm. Trung Quốc cũng phóng thử nghiệm tên lửa hành trình chống tàu từ đảo này vào giữa năm 2016 nhưng vẫn chưa rõ liệu những hệ thống này vẫn còn trên đảo hay không. Kể từ năm 2013, Đảo Phú Lâm đã được dùng làm bản thiết kế cho những hoạt động tân trang ở ba căn cứ lớn nhất của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập, Đá Su Bi và Đá Vành Khăn ở Quần đảo Trường Sa. Như vậy, những giả định rằng Trung Quốc có thể sớm triển khai những khả năng quân sự tương tự trên đảo Phú Lâm cho những địa điểm trên, bao gồm tên lửa đất đối không và tên lửa hành trình, là hoàn toàn hợp lý.

 

Cập nhật: Hình ảnh vệ tinh mới vào ngày 29 tháng 3 năm 2017 cho thấy một máy bay chiến đấu phản lực trên đường băng ở đảo Phú Lâm, và rất có thể là loạ Shenyang J-11. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 4 năm 2016 mà AMTI đã thấy máy bay chiến đấu trên đảo này. Hiện vẫn chưa rõ rằng đây là chiến đấu cơ duy nhất hay còn một số khác trong các nhà chứa máy bay quanh đó.

Đảo Quang Hòa/Quang Hòa Tây

Đảo Quang Hòa và Quang Hòa Tây đã được nối liền bằng một cây cầu và chúng tạo thành căn cứ quân sự tiên tiến thứ hai của Trung Quốc ở Quần đảo Hoàng Sa. Khu vực giữa hai đảo đã được nạo vét và trở thành một bến cảng lớn. Ngoài ra, đảo còn có một căn cứ trực thăng, bao gồm các nhà chứa và tám sân đỗ trực thăng. Như theo các phỏng đoán, căn cứ này có thể đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực tác chiến chống ngầm của Trung Quốc.

Đảo Cây

Đảo Cây đã được tôn tạo đáng kể trong năm vừa qua. Trung Quốc đã nạo vét một bến cảng mới ở phía tây nam của đảo nhỏ này khiến diện tích đất tăng lên đáng kể. Các công trình mới được xây dựng trên diện tích mở rộng này bao gồm vòm rađa và các công trình ngầm lớn tương tự như đã xây dựng trước đó ở Đảo Phú Lâm và Đá Chữ Thập, Đá Su Bi và Đá Vành Khăn.

Đảo Bắc và Đảo Trung

Trung Quốc đã cải tạo thêm đất ở phía bắc Đảo Bắc và bắt đầu xây dựng các cơ sở mới trên khu vực đó. Sự hiện diện của nhà máy xi măng cho thấy rằng việc xây dựng sẽ còn tiếp tục và đảo có thể chứa đựng các cơ sở hạ tầng quân sự lớn giống như các đảo khác thuộc Quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc cũng xây dựng cầu nối với Đảo Trung nhưng nó đã bịcơn bão Sarika phá hủy vào tháng 10 năm 2016. Hiện còn chưa rõ liệu Trung Quốc đã từ bỏ hay sẽ xây lại cầu để tìm cách biến hai đảo nhỏ này thành một thực thể.

Đảo Tri Tôn

Đảo Tri Tôn là một trong bốn đảo thuộc Quần đảo Hoàng Sa có vẻ như đã có sẵn bốn cảng nhỏ trước khi Trung Quốc triển khai một loạt các hoạt động xây dựng như hiện tại. Nhưng gần đây các công trình trên đảo này đã được mở rộng, bao gồm một bãi đáp trực thăng mới. Đảo này cũng là nơi duy nhất Trung Quốc đặt quốc kỳ và ký tự tiếng Trung lớn có thể nhìn thấy từ vệ tinh và hệ thống giám sát trên không nhằm tuyên bố chủ quyền của với Quần đảo Hoàng Sa.

Đảo Hoàng Sa

Giống Đảo Tri Tôn, Đảo Hoàng Sa cũng có một bến cảng và bãi đáp trực thăng nhỏ, và gần đây cũng xuất hiện hoạt động xây dựng các công trình mới trên đảo này.

Đảo Linh Côn

Đảo Linh Côn có một bến cảng nhỏ nhưng chưa có cơ sở hạ tầng không quân nào cho đến nay.

Đảo Quang Ảnh

Giống Đảo Tri Tôn và Đảo Hoàng Sa, Đảo Quang Ảnh cũng có một bến cảng và bãi đáp trực thăng nhỏ, và số lượng các công trình không ngừng tăng lên.

Đảo Duy Mộng

Đảo Duy mộng cho đến gần đây vẫn chưa có cơ sở hạ tầng quân sự nào. Tuy nhiên Trung Quốc vẫn đang trong quá trình nạo vét bến cảng mới cho đảo này.

Đá Hải Sâm, Bãi Xà Cừ, Đảo Ốc Hoa và Đảo Ba Ba

Không phải tất cả tiền đồn của Trung Quốc ở Quần đảo Hoàng Sa hiện đều chứa các cơ sở hạ tầng lớn, và nhiều tiền đồn chỉ có một hoặc hai tòa nhà (bao gồm hai tiền đồn chỉ có hải đăng). Cụ thể, bốn tiền đồn ở Đá Hải Sâm, Bãi Xà Cừ, Đảo Ốc Hoa và Đảo Ba Ba chỉ nhỏ hơn một dải cát. Nhưng sự hiện diện của các tòa nhà nhỏ và vật liệu xây dựng cho thấy rằng Trung Quốc có thể đang chuẩn bị mở rộng các thực thể này.