Ngày cập nhật: Ngày 01 tháng 12 năm 2016

Trong hai tuần qua, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong hoạt động cải tạo đất và nâng cấp cơ sở hạ tầng không quân tại đảo Trường Sa. Hình ảnh mới cho thấy Việt Nam đã gần hoàn thiện việc mở rộng đường băng của đảo nhỏ, và khi hoàn tất nó có thể dài khoảng 4.000 feet (1219 mét). Điều này khẳng định sự suy đoán trước đó của AMTI rằng đường băng sẽ có thể phù hợp với hầu hết các máy bay của không quân Việt Nam, chỉ ngoại trừ máy bay vận tải Antonov An-26 và máy bay do thám P-3 nếu Việt Nam muatrong tương lai.

Hà Nội cũng đã bắt đầu triển khai công tác tại hai nhà chứa máy bay lớn hơn khác (ngoài hai nhà chứa đã được AMTI xác định trước đây) trên khu đất mới được cải tạo ở phía Đông Bắc của đảo. Quyết định xây dựng một số nhỏ các nhà chứa máy bay tương đối lớn cho thấy Hà Nội có nhiều khả năng sẽ triển khai loại máy bay phi chiến đấu, chẳng hạn như loại máy bay giám sát biển PZL M28B và máy bay vận tải CASA C-295 đến khu vực Đảo Trường Sa.

Bên trái: Các nhà chứa máy bay được xác định trước đây nằm ở phía Tây Nam của Đảo Trường Sa. Bên phải: Các nhà chứa máy bay mới được xác định nằm trên phía Đông Bắc của Đảo Trường Sa.

 


Ngày đăng tải ban đầu: Ngày 15 tháng 11 năm 2016

Việt Nam đang đáp trả động thái xây dựng các căn cứ quân sự tại quần đảo Trường Sa của Trung Quốc bằng cách mở rộng các căn cứ của riêng mình với qui mô nhỏ trong quần đảo tranh chấp. Hình ảnh mới cho thấy Hà Nội đang nâng cấp đáng kể đường băng duy nhất của mình tại Biển Đông—ở Đảo Trường Sa—và xây dựng các nhà chứa máy bay mới tại thực thể đó. Đây là động thái thông thường đối với Hà Nội. Ngay cả khi bối cảnh căng thẳng ngoại giao đã giảm nhẹ, Việt Nam tiếp tục hiện đại hóa căn cứ quân sự của mình và tìm cách thắt chặt hơn nữa an ninh quan hệ với Nhật Bản, Hoa Kỳ và Ấn Độ để đáp trá những động thái gây hấn từ Trung Quốc trong tương lai tại vùng biển tranh chấp này. Reuters gần đây đã đưa tin rằng Việt Nam đã triển khai dàn phóng tên lửa pháo bin đến khu vực quần đảo Trường Sa. Hà Nội không xác nhận thông tin này, tuy nhiên, biện pháp đối phó như vậy không có gì đáng ngạc nhiên trước việc Trung Quốc sớm triển khai sức mạnh không quân tại khu vực quần đảo Trường Sa.

Việt Nam đã kéo dài đường băng tại Đảo Trường Sa từ dưới 2.500 feet hoặc 762 mét (chiều dài ngắn nhất của bất kỳ bên tranh chấp nào tại quần đảo Trường Sa) lên khoảng 3.300 feet hoặc 1006 mét. Việc tiếp tục xây dựng và cải tạo có thể sẽ dẫn tới sự mở rộng đường băng này lên đến hơn 4.000 feet hoặc 1219 mét. Việt Nam cũng đang xây dựng hai nhà chứa máy bay lớn tại đây. Các căn cứ mới này có thể dễ dàng phù hợp với các máy bay do thám trên biển PZL M28B và máy bay vận tải CASA C-295 của lực lượng không quân Việt Nam. Phi đội máy bay của Việt Nam cũng bao gồm máy bay vận tải Antonov An-26 và Hà Nội đã thể hiện sự quan tâm trong việc mua lại máy bay do thám P-3, tuy nhiên, đường băng tại Đảo Trường Sa sẽ không đủ dài cho cả hai loại máy bay này. Bất kỳ máy bay chiến đấu nào của Việt Nam đều có thể tận dụng đường băng mới, tuy nhiên các đảo nhỏ khó có thể sử dụng máy bay tiêm kích phản lực do hạn chế về không gian. Ngược lại, ba hòn đảo nhân tạo lớn nhất của Trung Quốc giờ đây đã có đủ không gian chứa tới 24 máy bay tiêm kích phản lực trên từng đảo.

Việt Nam hiện nay đã cải tạo thêm khoảng 57 mẫu đất tại đảo Trường Sa, một trong số 10 thực thể mà nước này đã mở rộng trong những năm gần đây, mặc dù khu vực cải tạo vẫn còn rất khiêm tốn so với Trung Quốc. Sau khi hoàn thành, Việt Nam rất có thể sẽ tận dụng đường băng và nhà chứa máy bay tại Đảo Trường Sa để tăng cường khả năng tuần tra trong khu vực quần đảo Trường Sa. Sự chênh lệch về căn cứ quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ càng lớn hơn khi ba căn cứ không quân mà Bắc Kinh xây dựng đi vào hoạt động. Tuy nhiên, Hà Nội có vẻ kiên quyết trong việc nâng câm khả năng giám sát và bảo vệ các tuyên bố chủ quyềncủa mình nếu việc triển khai bệ phóng tên lửa được đưa tin là đúng sự thật.