Vào ngày 5 tháng 2, báo Philippine Daily Inquirer công bố loạt ảnh từ trên không về bảy tiền đồn của Trung Quốc ở Quần đảo Trường Sa. Các ảnh này, đa số do một máy bay tuần tra không xác định chụp từ độ cao 5.000 feet (1.500 mét) vào cuối năm 2017, cung cấp cái nhìn sơ bộ về các cơ sở hạ tầng quân sự của Bắc Kinh với mức độ chi tiết hiếm thấy trước đây. Các hình ảnh nói trên góp phần củng cố thông điệp mới nhất mà AMTI đưa ra gần đây vào tháng 12: các đảo nhân tạo này hiện là nơi đặt các căn cứ không quân và hải quân quan trọng của Trung Quốc. Chúng gần như đã hoàn thành và hoạt động thi công mới tiếp tục diễn ra nhanh chóng bất chấp những đàm phán ngoại giao giữa Trung Quốc và các nước tuyên bố chủ quyền.

Ảnh từ trên không do báo Inquirer công bố không tiết lộ bất kỳ khả năng mới nào trên các hòn đảo nhân tạo này, nhưng chúng cung cấp một góc nhìn quan trọng mới. Các ảnh này truyền đạt kích thước tương đối và đặc biệt là chiều cao của mỗi cơ sở hạ tầng hiệu quả hơn so với ảnh vệ tinh, mặc dù chúng không thể cho thấy toàn bộ các căn cứ. Việc so sánh các ảnh từ trên không với ảnh vệ tinh mới nhất của AMTI sẽ giúp ích trên hai phương diện: giúp tạo ngữ cảnh cho ảnh từ trên không và tăng thêm sức thuyết phục cho ảnh vệ tinh.

Trong các so sánh sau đây, AMTI đã sử dụng ảnh vệ tinh để nêu lên hướng chụp của mỗi ảnh từ trên không rồi xác định các công trình đáng chú ý trong cả hai ảnh. Lưu ý rằng AMTI đã không xóa chữ trên các ảnh từ trên không do Inquirer công bố, nhưng đã bổ sung phần xác định các địa điểm đáng quan tâm, biểu thị bằng các số trong ô trên mỗi ảnh.

Đá Chữ Thập

Ảnh từ trên không của Inquirer về Đá Chữ Thập được chụp vào ngày 28 tháng 11 năm 2017 và cung cấp cái nhìn thuyết phục về phần phía Bắc đường băng của căn cứ, cũng như các cơ sở hạ tầng tình báo tín hiệu và liên lạc lớn của căn cứ này. Đá Chữ Thập là đảo nhỏ nhất trong “Bộ 3” đảo nhân tạo trên Quần đảo Trường Sa nhưng tại đây lại diễn ra nhiều hoạt động thi công nhất trong năm 2017 (với việc xây dựng những tòa nhà chiếm diện tích 27 mẫu đất hay khoảng 100.000 mét vuông). Các cơ sở hạ tầng quan trọng hiện rõ trong ảnh từ trên không bao gồm:

  1. Đường băng dài 3.000 mét ở phía bắc của căn cứ, hoàn thành vào cuối năm 2015.
  2. Các nhà chứa dành cho bốn máy bay chiến đấu. Không gian chứa cho 20 máy bay chiến đấu khác và bốn nhà chứa lớn hơn dành cho máy bay ném bom, máy bay tiếp nhiên liệu và máy bay vận tải lớn, đã được xây dựng về phía Nam dọc theo đường băng. Tất cả các nhà chứa đều đã được hoàn thành vào đầu năm 2017.
  3. Một tháp cao chứa cơ sở hạ tầng liên lạc/cảm biến  ới một vòm rađa bên trên, hoàn thành vào cuối năm 2016.
  4. Một khu vực có các trụ thẳng đứng được xây dựng vào năm 2017. Chú thích ban đầu trên ảnh từ trên không chỉ xác định đây là một cơ sở hạ tầng liên lạc, nhưng đây nhiều khả năng là một dải rađa cao tần giống như dải rađa được xây dựng trên Đá Châu Viên hai năm trước đó.
  5. Một trong bốn cơ sở phòng thủ dạng điểm được xây dựng quanh căn cứ vào năm 2016. Các hệ thống phòng thủ dạng điểm tương tự tồn tại trên tất cả các đảo nhân tạo của Trung Quốc, chứa một tổ hợp súng lớn (một trong các ảnh từ trên không về Đá Gạc Ma xác định đây là các súng 100 mm) và các hệ thống vũ khí có khả năng đánh gần (CIWS).
  6. Một dải cảm biến/liên lạc lớn được hoàn thành trong năm 2017. Cho đến nay chưa có căn cứ nào khác ở Quần đảo Trường Sa có dải tương tự, mặc dù các dải nhỏ hơn đã được xây dựng trên Đá Su Bi và Đá Vành Khăn. Điều đó cho thấy Đá Chữ Thập có thể đóng vai trò trung tâm liên lạc/tình báo tín hiệu của lực lượng Trung Quốc trong khu vực.
  7. Ba tháp chứa cơ sở hạ tầng liên lạc/cảm biến có vòm rađa bên trên, hoàn thành năm 2017.

Đá Su Bi

Ảnh từ trên không của Đá Su Bi được chụp vào ngày 10 tháng 10 năm 2017 và cung cấp cái nhìn cận cảnh về cơ sở hạ tầng trên cả nhánh phía Bắc và phía Nam của căn cứ (nhưng không bao gồm phần lớn đường băng chạy dọc bờ phía Tây của căn cứ). Đá Su Bi trở thành mối quan ngại đặc biệt của Manila vì vị trí của đảo này chỉ cách Đảo Thị Tứ do Philíppin chiếm đóng hơn 12 hải lý. Các cơ sở hạ tầng hiện rõ trong ảnh từ trên không bao gồm:

  1. Cơ sở chứa ngầm, được cho là để chứa nhiên liệu, nước hoặc các nhu yếu phẩm khác của căn cứ.
  2. Một cơ sở hạ tầng liên lạc/cảm biến có vòm rađa bên trên.
  3. Cần cẩu vận chuyển di động dùng để chuyển hàng hóa giữa các tàu và bến tàu. Trong ảnh vệ tinh, có thể thấy chiếc cần cẩu ở giữa bến tàu cạnh một số tàu bè, trong khi ở ảnh của Inquirer nó lại ở đầu phía Tây của bến tàu.
  4. Một trong bốn cơ sở phòng thủ dạng điểm được xây quanh căn cứ vào năm 2016.
  5. Một ngọn hải đăng lớn.
  6. Một đường băng dài 3.000 mét, hoàn thành vào đầu năm 2016.
  7. Không gian chứa cho 20 máy bay chiến đấu, hoàn thành vào cuối năm 2016. Bốn nhà chứa tương tự khác nằm ở đầu phía Bắc của đường băng.
  8. Bốn nhà chứa lớn hơn cho máy bay lớn, được hoàn thành vào đầu năm 2017.
  9. Các hầm chứa ngầm, có khả năng dùng để chứa đạn dược và các nhu yếu phẩm khác, được xây vào năm 2017. Các cơ sở chứa ngầm y hệt có thể được thấy trên Đá Chữ Thập và Đá Su Bi.
  10. Một dải rađa “chuồng voi” cao tần, có tên gọi như vậy do kết cấu tròn của ăng-ten giống với một hàng rào cao.
  11. Một trong bốn cơ sở phòng thủ dạng điểm được xây quanh căn cứ vào năm 2016.
  12. Các kết cấu kiên cố với phần mái cơ động được cho là nhà chứa dành cho các bệ phóng tên lửa di động, hoàn thành vào năm 2017. Trong ảnh của Inquirer , có thể thấy đỉnh vòm rađa của tháp lân cận (có khả năng sẽ dùng để nhắm mục tiêu) đã được lắp ráp trên mặt đất, đang chờ lắp đặt.

Đá Vành Khăn

Ảnh từ trên không của Đá Vành Khăn được chụp vào ngày 30 tháng 12 năm 2017 và tập trung vào đường băng cũng như các cơ sở hạ tầng khác dọc bờ phía Tây của tiền đồn. Đá Vành Khăn là đảo nhân tạo lớn nhất của Trung Quốc và gần nhất với Philíppin. Vào năm 2016, tòa trọng tài phán quyết rằng bãi đá này hoàn toàn nằm dưới mặt nước trước khi Trung Quốc tiến hành cải tạo, và do đó bãi đá này là một phần của thềm lục địa thuộc Philíppin. Các cơ sở hạ tầng hiện rõ trong ảnh từ trên không bao gồm:

  1. Một cơ sở liên lạc/cảm biến lớn có vòm rađa bên trên, hoàn thành vào năm 2017.
  2. Một trong bốn cơ sở phòng thủ dạng điểm được xây quanh căn cứ vào năm 2016.
  3. Ba tháp chứa cơ sở hạ tầng liên lạc/cảm biến có vòm rađa bên trên, hoàn thành năm 2017.
  4. Các hầm chứa ngầm với khả năng chứa đạn dược và các nhu yếu phẩm khác được xây vào năm 2017. Trong ảnh của Inquirer, các hầm này đã được chôn ngầm nhưng ảnh vệ tinh của AMTI lại cho thấy các hầm này trước đó chưa bị chôn lấp. Các cơ sở chứa ngầm y hệt đã được xây dựng ở Đá Chữ Thập và Đá Su Bi. Ngoài ra cũng có cơ sở chứa ngầm được xây dựng dọc bờ phía Bắc của Đá Vành Khăn (và ở Đá Chữ Thập cũng như Đá Su Bi).
  5. Đường băng dài 3.000 mét của căn cứ này, hoàn thành từ năm 2016.
  6. Không gian chứa cho 8 máy bay chiến đấu, hoàn thành vào cuối năm 2016.
  7. Một trong năm nhà chứa dành cho máy bay lớn hơn của Đá Vành Khăn, hoàn thành vào cuối năm 2016.
  8. Một cơ sở hạ tầng liên lạc/cảm biến có vòm rađa bên trên, gắn với công trình được cho là tòa nhà hành chính của sân bay.
  9. Không gian chứa cho 16 máy bay chiến đấu, hoàn thành vào cuối năm 2016.
  10. Một đèn hiệu vô hướng dùng để dẫn hướng máy bay di chuyển về sân bay.

Đá Châu Viên

Ảnh từ trên không của Đá Châu Viên được chụp vào ngày 9 tháng 6 năm 2016 và có phần cũ hơn so với các ảnh khác. Công trình trên bốn tiền đồn nhỏ hơn trong số bảy tiền đồn của Quần đảo Trường Sa có vẻ đã phần lớn hoàn thành, tuy nhiên toàn bộ căn cứ trông gần như không khác so với năm 2018. Các cơ sở hạ tầng rõ rệt gồm có:

  1. Một tháp cao chứa cơ sở hạ tầng liên lạc/cảm biến có vòm rađa bên trên, hoàn thành vào đầu năm 2016.
  2. Một ngọn hải đăng được xây vào năm 2015, một trong những tòa nhà đầu tiên được thi công trên bãi đá.
  3. Một trong hai hệ thống phòng thủ dạng điểm hoàn thành vào năm 2016.
  4. Một tòa nhà hành chính lớn, tương tự với các tòa nhà được xây trên Đá Gaven, Đá Tư Nghĩa và Đá Gạc Ma.
  5. Một hệ thống phòng thủ dạng điểm thứ hai, cũng hoàn thành vào năm 2016.
  6. Một dải rađa lớn, rất có thể dành cho rađa cao tần vượt đường chân trời. Do dải rađa này bao gồm một mạng lưới các trụ thẳng đứng, ảnh vệ tinh được chụp trực tiếp từ phía trên không mô tả được đặc điểm này một cách rõ ràng. Do đó, ảnh của Inquirer cung cấp góc nhìn và quan điểm sáng suốt hơn.
  7. Một tháp liên lạc hoàn thành vào năm 2015. Hai vòm rađa màu xanh dương trên mặt đất bên cạnh tháp trong ảnh vệ tinh không xuất hiện trong ảnh từ trên không và chúng được xây dựng vào năm 2016.

Đá Gaven

Ảnh từ trên không của Inquirer về Đá Gaven được chụp vào ngày 28 tháng 11 năm 2017. Không giống phần lớn các tiền đồn khác, tất cả các hệ thống phòng thủ dạng điểm tại Đá Gaven đều gắn với tòa nhà hành chính, chứ không được lắp đặt trên các công trình riêng rẽ. Các cơ sở hạ tầng có thể thấy trên Đá Gaven bao gồm:

  1. Một dải pin năng lượng mặt trời, được xây dựng cùng lúc với tòa nhà hành chính vào năm 2015.
  2. Trụ sở/trung tâm hành chính trên Đá Gaven, được xây dựng vào năm 2015. Các kết cấu bát giác nhô ra từ mỗi góc chứa ụ súng, bị che phủ trong ảnh từ trên không của Inquirer.
  3. Một tháp liên lạc, đi kèm với các vòm rađa màu xanh dương. Tháp được xây dựng vào năm 2015, sau đó là các vòm rađa vào nửa đầu năm 2016.
  4. Ba trong số sáu tuabin gió trên Đá Gaven (ba tuabin còn lại có thể thấy giữa tháp liên lạc và tòa nhà hành chính). Cả sáu tuabin dường như đều được lắp đặt vào năm 2015.
  5. Một tháp cao chứa cơ sở hạ tầng liên lạc/cảm biến có vòm rađa bên trên, hoàn thành vào năm 2016.

Đá Tư Nghĩa

Ảnh từ trên không của Đá Tư Nghĩa cũng được chụp vào ngày 28 tháng 11 năm 2017. Giống như Đá Gaven, Đá Tư Nghĩa không có địa điểm phòng phủ dạng điểm độc lập. Ảnh của Inquirer về Đá Tư Nghĩa cho thấy cụ thể một trong các ụ để súng nhô ra khỏi tòa nhà hành chính, xác định mỗi ụ là một súng cỡ nòng 100 mm/56. Các cơ sở hạ tầng có thể nhìn thấy bao gồm:

  1. Tòa nhà trụ sở/hành chính, được xây dựng vào năm 2015.
  2. Một tháp liên lạc kèm theo các vòm rađa màu xanh dương. Một tháp được xây dựng vào năm 2015 và các vòm rađa được lắp đặt trước giai đoạn giữa năm 2016.
  3. Một tháp cao với cơ sở hạ tầng liên lạc/cảm biến có vòm rađa bên trên, hoàn thành vào đầu năm 2016.

Đá Gạc Ma

Giống như Đá Gaven và Đá Tư Nghĩa, ảnh từ trên không của Đá Gạc Ma được chụp vào ngày 28 tháng 11 năm 2017. Ảnh của Inquirer cung cấp góc nhìn rất rõ ràng về hệ thống phòng thủ dạng điểm, nêu bật các chiều cao so le của mỗi phần kết cấu và vòm rađa, đây là điều khó thấy rõ từ ảnh vệ tinh. Các cơ sở hạ tầng có thể nhìn thấy trên Đá Gạc Ma bao gồm:

  1. Hệ thống phòng thủ dạng điểm, hoàn thành vào năm 2016. Các súng trên kết cấu này bị che phủ trong ảnh.
  2. Một tháp liên lạc kèm theo các vòm rađa màu xanh dương. Như trên Đá Châu Viên, Đá Gaven và Đá Tư Nghĩa, tháp này được xây dựng vào năm 2015 và các vòm rađa hoàn thành vào năm 2016.
  3. Một dải pin năng lượng mặt trời được xây vào cuối năm 2015 và đầu năm 2016.
  4. Hai tuabin gió được lắp đặt vào cuối năm 2015.
  5. Một tháp cao chứa cơ sở hạ tầng liên lạc/cảm biến có một vòm rađa bên trên, hoàn thành vào cuối năm 2015.
  6. Một ngọn hải đăng lớn.
  7. Một tòa nhà trụ sở/hành chính, bao gồm các hệ thống phòng thủ dạng điểm, hoàn thành vào đầu năm 2016.