ĐƯỜNG BĂNG MỚI LÀM NẢY SINH CÁC QUAN NGẠI MỚI


Bài viết của Gregory Poling

Trong năm qua, thế giới đã chứng kiến Trung Quốc nâng số sân bay tại Biển Đông từ một lên bốn sân bay. Các cơ sở trên Đảo Phú Lâm tại quần đảo Hoàng Sa đã cho Trung Quốc khả năng theo dõi phía Bắc Biển Đông. Đầu năm nay, việc xây dựng thêm sân bay trên Đá Chữ Thập đã cung cấp một sân bay thiên về phía Nam có thể chứa hầu hết mọi máy bay quân sự của Trung Quốc. Và vào tháng 6, ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng một đường băng nữa trên Đá Su Bi. Các tấm ảnh mới được chụp vào ngày 3 tháng 9 cho thấy công tác san nền tại Đá Su Bi càng khẳng định rằng kế hoạch xây dựng đường băng ở thực thể này. Trong khi đó, việc xây dựng sân bay ở Đá Chữ Thập được xúc tiến rất nhanh và gần đây đã bước vào giai đoạn sơn.

Subi Reef. September 3, 2015.
Đá Su Bi. Ngày 3 tháng 9 năm 2015.

ĐÁ SU BI. Ngày 3 tháng 9 năm 2015. Việc xây dựng đường băng diễn ra trên rìa Tây của bãi đá. Ở lối vào phía Đông Nam, một máy nạo vét mở rộng kênh tiếp cận bãi đá bên trong. Ở phía Đông Bắc, một máy nạo vét khác hoàn thành việc bồi đắp đất dọc rìa bãi đá.

Ảnh vệ tinh được chụp vào ngày 8 tháng 9 chứa một diễn tiến bất ngờ, cho thấy Trung Quốc có thể đang chuẩn bị xây dựng một đường băng khác tại Đá Vành Khăn. Các hình ảnh này cho thấy tường chắn đã được xây dựng dọc bờ Tây Bắc của bãi đá, tạo nên một khu vực rộng khoảng 3.000 mét vuông. Đây là phần duy nhất của thực thể mà Trung Quốc sử dụng tường chắn để nắn thẳng một khu vực đất mấp mô rộng lớn; công việc bồi đắp trên phần còn lại của Đá Vành Khăn được thực hiện theo cấu trúc địa lý tự nhiên của bãi đá ngầm. Một nhà máy xi măng đã được xây dựng tại khu vực đó, cho thấy Trung Quốc đã lên kế hoạch xây dựng đáng kể. Công trình này giống với công tác chuẩn bị trước đó trên Đá Chữ Thập và Đá Su Bi, cho thấy rất có thể Trung Quốc đang xây dựng một đương băng khác.

Fiery Cross Reef. September 2015.
Đá Chữ Thập. Tháng 9 năm 2015.

ĐÁ CHỮ THẬP. Ngày 3 tháng 9 năm 2015. Việc xây dựng đường băng đã gần hoàn thành khi bê tông được sơn ở bờ phía Tây của bãi đá. Công trình mới đã xuất hiện trên bờ phía Đông của bãi đá.

Philíppin sẽ đặc biệt quan ngại nếu có một đường băng tại Đá Vành Khăn. Đường băng sắp xây dựng sẽ chỉ cách 21 hải lý từ BRP Sierra Madre, một con tàu đổ bộ vận tải từ thời Thế Chiến II được Philíppin cố tình cho mắc cạn vào năm 1999 và là nơi sinh sống của một đội quân lính thủy Philíppin tại Bãi Cỏ Mây. Trung Quốc đã và đang duy trì sự hiện diện qua việc tuần tra biển liên tục quanh Bãi Cỏ Mây từ năm 2013 và cố ngăn chặn tàu thuyền tiếp tế cho tàu Sierra Madre vào tháng 3 năm 2014. Sân bay sắp xây dựng tại Đá Vành Khăn cũng cách Bãi Cỏ Rong chỉ 60 hải lý, khu vực mà Philíppin vẫn cố gắng kêu gọi cùng khai thác khoảng sản thiên nhiên bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Đá Chữ Thập nằm ở nửa phía Tây của quần đảo Trường Sa và sân bay ở đó sẽ trực tiếp tạo ra một chướng ngại vật đối với các hoạt động của Việt Nam, nước chiếm hầu hết phần phía Tây của quần đảo. Đá Su Bi ở đầu phía Bắc của quần đảo Trường Sa, chỉ cách sân bay của Philíppin tại đảo Thị Tứ 15 hải lý và cách Đảo Ba Bình – hòn đảo duy nhất thuộc sở hữu của Đài Loan – chưa đến 40 hải lý. Sân bay thứ ba tại Đá Vành Khăn, cách Đông Nam Đá Su Bi 100 hải lý là điểm cuối cùng trong tam giác này, tăng đáng kể khả năng tuần tra trên không và ngăn cản của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp và các thực thể của quần đảo Trường Sa, gia tăng căng thẳng và gây ra khó khăn hơn trong hoạt động của tất cả các bên tuyên bố chủ quyền, cũng như quốc gia bên ngoài như Hoa Kỳ.

Mischief Reef. September 2015.
Đá Vành Khăn. Tháng 9 năm 2015.

ĐÁ VÀNH KHĂN. Ngày 8 tháng 9 năm 2015. Một khu vực hình vuông dài khoảng 3.000 mét đã được dọn dẹp và san phẳng dọc rìa phía Bắc của bãi đá. Một vài ý kiến cho rằng một sân bay có thể sắp được xây tại khu vực bằng phẳng này trong tương lai gần. Một máy nạo vét đang hoạt động xuất hiện trên con kênh phía Tây dẫn vào bãi đá bên trong. Về phía Đông, một nhà máy bê tông đã được dựng nên ở rìa của bãi đá.

 

TRUNG QUỐC VẪN TIẾP TỤC NẠO VÉT TRONG HƠN MỘT THÁNG SAU KHI CHO BIẾT ĐÃ DỪNG VIỆC NÀY


Bài viết của Bonnie Glaser

Trung Quốc vẫn tiếp tục công tác nạo vét ở Biển Đông. Hình ảnh vệ tinh về Đá Su Bi chụp vào đầu tháng 9 cho thấy các máy nạo vét đang bơm chất cặn vào các khu vực tiếp giáp đê biển mới xây dựng, và mở rộng kênh đào để tàu thuyền vào vùng biển mà bãi đá bao quanh. Trên Đá Vành Khăn, một máy nạo vét cũng mở rộng kênh để cho phép tàu thuyền tiếp cận dễ dàng mà có thể sử dụng làm căn cứ hải quân trong tương lai.

Subi Reef. September 3, 2015.
Đá Su Bi. Ngày 3 tháng 9 năm 2015.

ĐÁ SU BI. Ngày 3 tháng 9 năm 2015. Một máy nạo vét mở rộng kênh đào tiếp cận bãi đá bên trong.

Hoạt động này diễn ra sau khi Trung Quốc khẳng định rằng hoạt động bồi đắp đã dừng lại tại chuỗi đảo tại quần đảo Trường Sa. Vào ngày 5 tháng 8, trong buổi Đối thoại khu vực ASEAN tại Kuala Lumpur, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết: “Trung Quốc đã dừng lại. Muốn biết ai đang xây ư? Hãy đến đó bằng máy bay và nhìn tận mắt xem ai đang tiếp tục.” Tuy nhiên, ông này không cam kết rằng Trung Quốc sẽ ngưng việc xây dựng và quân sự hóa trên các đảo nhân tạo mới.

Vương Nghị nhắc lại rằng việc xây dựng của Trung Quốc trên đảo nhằm mục đích chính là “cải thiện điều kiện sống và làm việc của nhân viên ở đó” và “với mục đích cho cộng đồng.” Tuy nhiên, cho tới nay thì hoạt động của Trung Quốc cho thấy việc tập trung xây dựng là cho mục đích quân sự. Các công trình mới xây dựng trên Đá Chữ Thập bao gồm đường băng dài 3.000 mét đã hoàn thiện và mới được sơn, sân bay trực thăng, vòm ra-đa, tháp theo dõi và có thể là các cơ sở liên lạc vệ tinh.

Subi Reef. September 3, 2015.
Đá Su Bi. Ngày 3 tháng 9 năm 2015.

ĐÁ SU BI. Ngày 3 tháng 9 năm 2015. Một máy nạo vét hoàn thành việc bồi đắp tại rìa Đông Bắc của bãi đá Su Bi.

Ở tình trạng tự nhiên, trước khi bị biến đổi thành đảo nhân tạo, hai bãi đá nhỏ tại Đá Chữ Thập ở trên mặt biển khi thủy triều cao và do đó theo luật biển, thực thể đó có thể có lãnh hải 12 hải lý. Đá Su Bi và Vành Khăn là thực thể ngầm dưới nước biển và do đó không hình thành vùng biển pháp lý và không nước nào được tuyên bố chủ quyền trên hai bãi đá này. Tối đa thì hai bãi đá này được cho phép một vùng quản lý giao thông tàu 500 mét để bảo đảm an toàn khi hoạt động. Việc Trung Quốc chuẩn bị xây đường băng dài trên Đá Su Bi và Vành khăn làm dấy lên các nghi vấn về việc liệu Trung Quốc có gây khó khăn cho hoạt động tự do trên vùng trời và vùng biển xung quanh các thực thể đất này trong tương lai hay không.

Việc tiếp tục nạo vét, xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo của Trung Quốc nhấn mạnh sự bất hợp tác của Bắc Kinh trong việc tự kiềm chế và tìm kiếm các biện pháp ngoại giao nhằm giảm căng thẳng với các nước láng giềng, Hoa Kỳ và các nước khác mong muốn duy trì hòa bình và sự ổn định trên Biển Đông. Lời kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông dừng bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa của Hoa Kỳ đã bị Trung Quốc từ chối vì Bắc Kinh cho rằng hiện trạng này không có lợi cho tham vọng của mình.

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh dường như đang gửi một thông điệp cho Tổng thống Barack Obama rằng Trung Quốc quyết tâm gia tăng lợi ích của mình trên Biển Đông, ngay cả khi điều đó làm tăng căng thẳng với Hoa Kỳ.

Mischief Reef. September 8, 2015.
Đá Vành Khăn. Ngày 8 tháng 9 năm 2015.

ĐÁ VÀNH KHĂN. Ngày 8 tháng 9 năm 2015. Có thể nhận thấy một cỗ máy nạo vét ở gần kênh phía Tây dẫn vào Đá Vành Khăn. 

 

VIỆC XÂY DỰNG TRÊN BIỂN ĐÔNG HOÀN TOÀN NHẤT QUÁN VỚI CHIẾN LƯỢC HÀNG HẢI LÂU DÀI CỦA BẮC KINH


Bài viết của Christopher Johnson

Hoạt động xây dựng gần đây của Trung Quốc tại bãi đá Su Bi và Vành Khăn, mặc dù trái với khẳng định gần đây của nước này rằng mình đã dừng các hoạt động như vậy, không có gì là đáng ngạc nhiên khi xét đến bối cảnh chiến lược hàng hải mới đặt ra của Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Tập Cận Bình. Bộ máy hành chính của ông Tập đã nhấn mạnh các vấn đề về vùng biển ngay từ Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 18 mà ông Tập nhậm chức. Nguyên chủ tịch Hồ Cẩm Đào, trong bài diễn văn tại đại hội, đã khẳng định rằng: “chúng ta phải . . quyết tâm bảo vệ quyền và lợi ích biển của Trung Quốc và biến Trung Quốc thành một cường quốc hải dương.” Tuyên bố này tuy đơn giản những đã nêu lên một thực tế rằng chưa từng có lãnh đạo Trung Quốc nào đề cao một ý định như vậy trong gần 500 năm.

Fiery Cross Reef, September 3, 2015
Đá Chữ Thập, ngày 3 tháng 9 năm 2015

ĐÁ CHỮ THẬP. Ngày 3 tháng 9 năm 2015. Công trình mới ở bờ Đông của Đá Chữ Thập.

Về cốt lõi, biện pháp của ông Tập phản ánh lợi ích lớn hơn của Trung Quốc trong việc phát triển chiều sâu chiến lược hàng hải trên phạm vi của mình khi những lợi ích của nước này vượt quá bờ biển. Về tác động, Trung Quốc coi các hoạt động của mình ở Biển Đông góp phấn báo hiệu cho các nước láng giềng trong khu vực và cả Hoa Kỳ rằng lực lượng của Trung Quốc sẽ hoạt động tự do ngoài “chuỗi đảo thứ hai” và vượt quá Tây Thái Bình Dương. Trong bối cảnh này, có thể coi nỗ lực xây dựng gần đây nhất của Trung Quốc là một công trình thiết yếu làm tiền đề cho việc thiết lập quyền kiểm soát hiệu quả ở khu vực này, làm nền tảng để đạt được các những tham vọng lớn hơn.

Mischief Reef, Spetebmer 3, 2015
Đá Vành Khăn, ngày 3 tháng 9 năm 2015

ĐÁ VÀNH KHĂN. Ngày 3 tháng 9 năm 2015. Công trình mới ở bờ Đông của Đá Chữ Thập.

Bộ quốc phòng Trung Quốc đã công bố Sách trắng quốc phòng mới nhất vào tháng 5, trong đó tuyên bố rằng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã được giao phó “nhiệm vụ chiến lược” mới nhằm “bảo vệ an toàn lợi ích của Trung Quốc tại nước ngoài,” đặc biệt là trên biển. Kết quả là Hải quân PLA “sẽ dần dần chuyển đổi từ mô hình ‘phòng thủ ven bờ’ sang kết hợp giữa ‘phòng thủ ven bờ’ với ‘hộ vệ tầm xa.'” Dưới sự bảo đảm này, trong tương lai PLA sẽ là một lực lượng hoạt động ngoài phạm vi “chuỗi đảo thứ nhất” và vào Ấn Độ Dương. Với tham vọng dài hạn là có nhiều nhóm tàu sân bay tấn công, Trung Quốc hướng tới việc tạo điều kiện chinh phục các thế lực kém hơn, tăng cường uy tín khu vực của Trung Quốc và tạo ra hiệu ứng và tác động qua việc thường xuyên hiện diện ở khu vực. Đối với các bên tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, đây là một yếu tố thay đổi cuộc chơi. Chiến lược quân sự rõ ràng của Trung Quốc sẽ quyết định thái độ của khu vực với nước này mà không cần đến hành vi hung hăng của Trung Quốc. Các diễn tiến gần đây trên Đá Su Bi và Đá Vành Khăn phải được hiểu rõ trong bối cảnh tổng thể chính sách hàng hải của Trung Quốc.

Mischief Reef, Spetebmer 8, 2015
Đá Vành Khăn, ngày 8 tháng 9 năm 2015

ĐÁ VÀNH KHĂN. Ngày 8 tháng 9 năm 2015. Việc xây dựng bắt đầu trên rìa phía Bắc của Đá Vành Khăn. Khu vực có chiều dài trên 3.000 mét đã được dọn dẹp.

 

TRUNG QUỐC ĐANG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH PHỤC VỤ CHIẾN TRANH TẠI BIỂN ĐÔNG?


Bài viết của Michael Green và Zack Cooper

Các hoạt động xây dựng gần đây của Trung Quốc cho thấy rằng Bắc Kinh có thể đang chuyển từ hệ thống chống tiếp cận trên vùng trời và vùng biển cục bộ sang cơ chế kiểm soát vùng trời và vùng biển tại Biển Đông.  Hầu hết các bình luận cho đến nay đều tập trung vào những hậu quả phức tạp mà các đường băng này có thể gây ra đối với tương tác trong thời bình, cụ thể là đối với các bên tuyên bố chủ quyền khác trên Biển Đông. Với một sân bay ở quần đảo Hoàng Sa và một ở quần đảo Trường Sa, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể thực hiện các hoạt động tuần tra thời bình với qui mô lớn, giúp nước này có lợi thế hơn hẳn so với các nước láng giềng trong tranh chấp biển đảo. Việc đầu tư vào các tài nguyên khác để xây dựng hai đường băng mới trong cùng một khu vực của Biển Đông cho thấy chiến lược áp dụng phân tán và chiến đấu trong các tình huống khẩn cấp.

SUBI REEF. September 3, 2015
ĐÁ SU BI. Ngày 3 tháng 9 năm 2015

ĐÁ SU BI. Ngày 3 tháng 9 năm 2015. Việc xây dựng đường băng khả thi trên Đá Su Bi.

Không có nghi ngờ gì về khả năng của Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác của mình trong việc vô hiệu hóa các cơ sở này nếu chiến tranh xảy ra. Tuy nhiên, việc làm này sẽ cần đến một nỗ lực phối hợp từ nhiều lực lượng của Hoa Kỳ trong trường hợp xảy ra xung đột. Hơn nữa, việc tiếp cận những sân bay này sẽ gặp khá nhiều rủi ro. Trên không, hệ thống phòng thủ không quân tổ hợp của PLA sẽ là mối đe dọa cho máy bay không có chức năng quân sự, làm phức tạp thêm các thách thức hiện có khi đối đầu với máy bay chiến đấu của Không quân PLA. Trên biển, các cảm ứng tầm xa và tên lửa đối hạm sẽ gia tăng rủi ro với các lực lượng hải quân trên biển trong toàn bộ khu vực. Dưới biển, Hải quân PLA có thể sử dụng tàu ngầm chạy bằng diesel và mạng lưới âm thanh để tăng sự nguy hiểm đối với tàu ngầm Hoa Kỳ. Ngoài ra, hệ thống phòng thủ của Trung Quốc có thể bảo vệ trước hầu hết các tên lửa hành trình của Hoa Kỳ, qua đó buộc các lực lượng Hoa Kỳ phải mạo hiểm đến gần các thực thể được bồi đắp này.

Subi Reef. September 3, 2015.
Đá Su Bi. Ngày 3 tháng 9 năm 2015.

ĐÁ SU BI. Ngày 3 tháng 9 năm 2015. Việc xây dựng đường băng khả thi trên Đá Su Bi.

Tại thời điểm này, chúng ta chỉ có thể kết luận rằng PLA có sân bay 3.000 mét tại Đá Chữ Thập, dường như đang chuẩn bị một đường băng khác tại Đá Su Bi và đã bồi đắp vùng đất có thể làm nền tảng cho cơ sở tương tự tại Đá Vành Khăn. Tuy nhiên, còn có các yếu tố thuyết phục khác chỉ ra rằng rất có thể PLA có một hệ thống tác chiến đáng chú ý hơn so với các nhận định ban đầu của giới quan sát bên ngoài.

Fiery Cross Reef, September 3, 2015
Đá Chữ Thập, ngày 3 tháng 9 năm 2015

ĐÁ CHỮ THẬP. Ngày 3 tháng 9 năm 2015. Việc hoàn tất và công việc sơn đường băng tại Đá Chữ Thập. Có thể nhận thấy rõ thềm đế và đường lăn.