Vào ngày 18 tháng 5, Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) đã tuyên bố lần đầu tiên hạ cánh máy bay ném bom, bao gồm chiếc H-6K, xuống tiền đồn trên Biển Đông. Hàng loạt các bài đăng trên mạng xã hội trên tài khoản Weibo của PLAAF cũng như tài khoản Twitter Nhân dân Nhật báo thuộc sở hữu của chính phủ đều đưa tin về việc một máy bay ném bom tầm xa hạ cánh và cất cánh từ Đảo Phú Lâm – Căn cứ lớn nhất của Trung Quốc ở Quần đảo Hoàng Sa.

Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) trước đây đã nêu rõ vai trò của Đảo Phú Lâm mở đường cho những đợt triển khai sau này về phía nam Quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đã xây dựng các nhà chứa lớn ở cả ba tiền đồn ở “Bộ 3” trên Quần đảo Trường Sa (Đá Xu Bi, Đá Vành Khăn, và Đá Chữ Thập). Những nhà chứa này có thể chứa các máy bay ném bom chẳng hạn như dòng H-6 (cũng như các loại máy bay vận tải, tuần tra, và máy bay tiếp nhiên liệu cỡ lớn).

Với phạm vi chiến đấu của máy bay H-6 gần 1.000 hải lý nên cho dù các máy bay ném bom cơ bản của Trung Quốc có cất cánh từ Đảo Phú Lâm đi chăng nữa thì phạm vi chiến đấu vẫn có thể bao phủ toàn bộ Biển Đông. Gần như tất cả các quần đảo của Philíppin đều nằm trọn trong phạm vi chiến đấu của những phi cơ này, bao gồm Manila và toàn bộ 5 căn cứ quân sự của Philíppin được đánh dấu để triển khai theo Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc Phòng giữa Hoa Kỳ và Philíppin. Dòng máy bay H-6K, với phạm vi chiến đấu lên đến gần 1.900 hải lý nhờ những cải tiến kỹ thuật, sẽ bất chấp mọi khoảng cách, đưa toàn bộ khu vực Đông Nam Á vào phạm vi chiến đấu của các máy bay cất cánh từ Đảo Phú Lâm.

Các đợt triển khai trong tương lai tới “Bộ 3” trên Quần đảo Trường Sa sẽ khiến Xingapo và phần lớn của Inđônêxia nằm trong phạm vi chiến đấu của những máy bay ném bom tầm thấp Trung Quốc. Trong khi đó, H-6K có thể mở rộng phạm vi đến phía bắc nước Úc hoặc các căn cứ phòng thủ của Hoa Kỳ trên đảo Guam.

Tin tức này xuất hiện sau hàng loạt những đợt triển khai phương tiện quân sự gần đây khác của Trung Quốc, bao gồm máy bay vận tải quân sự Y-8, tên lửa hành trình YJ-12B, và hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9B trên mỗi đảo trong “Bộ 3”.