Vào cuối mùa hè mỗi năm, Bắc Kinh lại gỡ bỏ luật cấm đánh bắt cá thường niên ở biển Hoa Đông và hàng trăm tàu lớn của Trung Quốc cùng với các tàu từ Đài Loan và Nhật Bản bắt đầu mùa đánh bắt cá ở những vùng lãnh hải đó. Từ mùng 5 đến mùng 9 tháng 8 năm 2016, chỉ vài ngày sau khi kết thúc lệnh cấm của năm ngoái, khoảng 200-300 tàu đánh bắt cá của Trung Quốc, tháp tùng bởi 16 tàu Cảnh sát biển Trung Quốc, đã đi vào vùng lãnh hải gần Quần đảo tranh chấp Senkaku. Nhiều tàu trong số đó liên tục tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo. Với việc dường như được chính quyền Trung Quốc, nếu không phải được thành lập trực tiếp, sự hiện diện và hoạt động của đội tàu này đã gây ra những cuộc đụng độ căng thẳng với Cảnh sát biển Nhật Bản.

Giới quan sát biển Hoa Đông lo ngại rằng những căng thẳng như vậy sẽ tiếp tục lặp lại khi lệnh cấm đánh bắt cá kết thúc vào ngày 1 tháng 8 trong mùa hè này. Thật may, chưa có báo cáo nào về những sự cố lớn xảy ra giữa tàu cá và tàu thực thi pháp luật tại khu vực xung quanh Quần đảo Senkaku vào cuối mùa hè và mùa thu. Và dữ liệu mà AMTI thu thập được cho thấy các tàu này ít có những hành động khiêu khích hơn xung quanh các đảo – điều đó có thể cho thấy nỗ lực có chủ ý của chính phủ Trung Quốc trong việc hạn chế hạm đội tàu đánh bắt cá và tránh căng thẳng leo thang.



AMTI đã theo dõi lộ trình di chuyển của 380 tàu đánh bắt cá được gắn cờ Trung Quốc, Đài Loan, hoặc của một quốc gia chưa xác định gần Quần đảo Senkaku từ ngày 31 tháng 7 đến ngày 18 tháng 10 bằng cách sử dụng dữ liệu của Hệ thống Tự động Nhận dạng (AIS) cung cấp bởi Windward, một công ty phân tích dữ liệu hàng hải. Phương pháp này không thể theo dõi những tàu nhỏ không bị bắt buộc phải mang theo máy thu AIS hoặc những tàu cố ý vô hiệu hóa hoặc gây nhiễu hệ thống của máy thu. Ngoài ra, tín hiệu AIS, đặc biệt là từ các máy thu cũ và hoạt động kém hơn, thường bị mất ở những khu vực có nhiều tàu thuyền qua lại và ở những vùng nước xa, nơi dữ liệu chỉ có thể được thu thập bởi vệ tinh thay vì thiết bị mặt đất. Tuy nhiên, 380 con tàu này phát ra khoảng 8.700 đường truyền AIS (bao gồm khoảng 4.600 tín hiệu từ các tàu gắn cờ Trung Quốc) và chúng phác họa một bức tranh rõ nét về tình hình chung xung quanh Quần đảo Senkaku.



Từ tháng 8 đến tháng 10, các thuyền cá từ Trung Quốc và Đài Loan không chỉ rời khỏi khu vực 12 hải lý xung quanh Senkaku mà còn tránh vùng tiếp giáp 24 hải lý. Nhật Bản khá nhạy cảm với hoạt động của nước khác trong khu vực này, trong đó Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển chỉ cấp cho các quốc gia quyền hạn kiểm soát hạn chế đối với các vấn đề như vi phạm nhập cư và hải quan. Theo luật pháp, phần lớn khu vực bên trong vùng tiếp giáp khó có thể phân biệt với khu vực bên ngoài. Thực tế là trong khoảng thời gian này, có rất nhiều hoạt động đánh bắt cá diễn ra xung quanh vùng tiếp giáp. Do đó, có thể thấy được nỗ lực, đặc biệt là của chính phủ Trung Quốc, trong việc ngăn chặn các tàu đánh bắt cá gắn cờ Trung Quốc có động thái khiêu khích với chính quyền Nhật Bản.



Hơn nữa, trong số tất cả những tàu đánh bắt cá được giám sát quanh Senkaku trong khoảng thời gian này, chỉ có 3 tàu tiến vào vùng lãnh hải xung quanh các đảo. Cả 3 tàu đó đều của Đài Loan, và dựa vào lộ trình di chuyển của chúng thì có vẻ như những tàu này chỉ đang quá cảnh chứ không tham gia vào bất kỳ hoạt động đánh bắt cá nào ở những vùng nước đó.

Hoạt động CCG xung quanh Senkaku trong vài tháng qua cũng cho kết quả tương tự. Sau sự gia tăng trong tháng 8 năm ngoái khi xảy ra sự cố với đội tàu cá, quy mô và tần suất tuần tra quanh các đảo trở về mức bình thường mới, mặc dù có hơi tăng lên một chút. Hầu hết các tháng của năm nay chứng kiến việc 10 hoặc 12 tàu của CCG tiến vào vùng lãnh hải của Senkaku—tăng so với hiện trạng ban đầu từ 8 đến 10 chiếc mỗi tháng từ cuối năm 2014 đến tháng 8 năm 2016. Chỉ có 4 tàu của CCG tiến vào vùng lãnh hải trong tháng 10 và 7 tàu trong tháng 11 năm 2017, nhưng vẫn chưa rõ liệu do có vấn đề gì bất thường không hay chỉ là một sự cắt giảm kéo dài.

Với việc Trung Quốc tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 19 và Nhật Bản tổ chức một cuộc bầu cử sớm vào cuối tháng 10, vấn đề xung quanh Quần đảo Senkaku đã có thể gây ra những động thái không thích hợp và khó kiểm soát trong thời điểm chính trị nhạy cảm cho cả hai quốc gia. Thay vào đó, dường như Bắc Kinh và Tokyo đang có ý định xúc tiến việc nối lại mối quan hệ hữu nghị tạm thời giữa hai bên. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thậm chí còn ca ngợi đây là một “sự khởi đầu mới” trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản sau cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh về Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương ở Việt Nam vào tháng 11. Với tuyên bố cơ bản không thay đổi và cả hai bên quyết tâm tiếp tục những hoạt động của mình xung quanh các đảo, căng thẳng quanh Senkaku có khả năng sẽ lại tăng lên. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây cho thấy Trung Quốc có khả năng hạn chế hạm đội tàu đánh bắt cá ở biển Hoa Đông.