Vào ngày mùng 1 tháng 5, Trung Quốc đã ra lệnh cấm đánh bắt cá thương mại thường niên ở vùng biển Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền là Hoàng Hải/Bột Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông phía trên vĩ tuyến 12 (gồm cả Bãi cạn Scarborough, Quần đảo Hoàng Sa và Vịnh Bắc Bộ, nhưng không có Quần đảo Trường Sa hoặc vùng phía nam của đường lưỡi bò). Lệnh cấm áp dụng cho cả hoạt động đánh bắt cá của ngư dân Trung Quốc và nước ngoài, kể cả trong các vùng biển đang tranh chấp. Trung Quốc đã đơn phương thi hành lệnh cấm hàng năm kể từ năm 1995, mặc ngày bắt đầu lệnh cấm khác nhau đối với từng khu vực trong những năm trước, làm cho thời gian thi hành lệnh cấm nhìn chung ngắn hơn một chút. Năm nay, lệnh cấm sẽ kết thúc vào ngày 1 tháng 8 ở Biển Hoa Đông, ngày 16 tháng 8 ở Biển Đông và ngày 1 tháng 9 ở Bột Hải và Hoàng Hải.

Hàng năm, lệnh cấm này làm dấy lên sự giận dữ giữa các nước láng giềng của Trung Quốc và gây ra chu kỳ căng thẳng giữa cơ quan hành pháp trong khu vực và các đội tàu đánh cá. Đôi khi các vụ va chạm xảy ra quanh năm giữa ngư dân Trung Quốc và các nước láng giềng từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và khu vực Đông Nam Á. Nhưng lệnh cấm đánh bắt cá này thay đổi tình thế một cách đặc biệt. Khi lệnh cấm bắt đầu, hầu hết ngư dân thương mại vừa và nhỏ của Trung Quốc đều quay trở lại cảng (các đội tàu lớn hơn hoạt động ở những nơi khác trên thế giới), nhưng nhiều tàu cũng đi theo hướng nam của vĩ tuyến 12, dẫn tới sự gia tăng các cuộc đụng độ với cảnh sát biển ở các nước láng giềng tại những nơi như Trường Sa và ngoài bờ biển Indonesia.

Tác động đáng chú ý nhất của lệnh cấm hàng năm là sự gia tăng các cuộc đụng độ giữa lực lượng Hải cảnhTrung Quốc và ngư dân Việt Nam tại và xung quanh Hoàng Sa. Hà Nội công khai chỉ trích lệnh cấm vi phạm đến tuyên bố chủ quyền họ đối với các quần đảo và thỏa thuận nghề cá  giữa hai quốc gia được ký kết năm 2000. Từ trước tới nay, các ngư dân Việt Nam và cơ quan chức năng địa phương đã báo cáo về sự gia tăng của hành vi quấy rối, bắt bớ và thậm chí là bắt cóc của cơ quan hành pháp Trung Quốc trong suốt mùa hè khi ngư dân Việt Nam, với sự ủng hộ của chính quyền Hà Nội, cố chống lại lệnh cấm của Trung Quốc.

Lệnh cấm trước đây cũng đã được áp dụng cho Bãi cạn Scarborough, nơi đã từng là một điểm nhức nhối của Manila. Việc Bắc Kinh thực thi lệnh cấm tại Scarborough bị hội đồng trọng tài tại Tòa án Trọng tài Thường trực coi là bất hợp pháp vào tháng 7 năm ngoái khi các thẩm phán ra phán quyết rằng ngư dân Trung Quốc, Philíppin và Việt Nam đều có quyền khai thác thủy sản tại bờ biển này. Không rõ liệu Bắc Kinh có cho phép ngư dân Philíppin đánh bắt cá tại bờ biển này theo “thỏa thuận danh dự” giữa chủ tịch nước Tập Cận Bình và tổng thống Rodrigo Duterte vào tháng 10 trong suốt thời gian diễn ra lệnh cấm năm nay hay không.

Việc dỡ bỏ lệnh cấm ở Biển Hoa Đông vào tháng 8 trùng với thời điểm bắt đầu mùa đánh bắt cá nhộn nhịp trong khu vực đó. Ngư dân Trung Quốc quay trở lại các khu vực tranh chấp, bao gồm cả Quần đảo Senkaku, với số lượng lớn, làm gia tăng các cuộc đụng độ với Cảnh sát biển Nhật Bản. Năm ngoái, một đội tàu gồm hàng trăm ngư dân Trung Quốc đã đi vào vùng tiếp giáp và nhiều trường hợp đã đi vào lãnh hải xung quanh Quần đảo Senkaku, được hộ tống bới các tàu lớn của Cảnh sát biển Trung Quốc, và các tàu này đã từ chối yêu cầu rút lui của Nhật Bản. Trong tháng 8 này, việc sử dụng đội tàu đánh cá vì mục đích chính trị của Trung Quốc rất có thể sẽ lại xảy ra.

Các cơ quan truyền thông đã mô tả lệnh cấm năm nay nghiêm ngặt hơn so với các lệnh cấm trước đó, không chỉ vì thời gian thực thi lệnh cấm dài hơn mà còn bởi vì Trung Quốc đã mở rộng các loại hoạt động đánh bắt cá và hỗ trợ thuộc phạm vi lệnh cấm. Các báo cáo về việc thực hiện lệnh cấm cho đến nay vẫn còn thưa thớt, mặc dù không rõ điều đó là do Bắc Kinh đang áp dụng một phương pháp mềm mỏng hơn trong kế hoạch dụ dỗ của mình hay là do các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Philíppin và Việt Nam, tỏ ra do dự trong việc báo cáo hành vi này. Tuy nhiên, xu hướng lịch sử cho thấy rằng lệnh cấm và việc huỷ bỏ vào tháng 8 đều được theo dõi chặt chẽ.

Header photo by Billy H.C. Kwok / Stringer, from Getty Images AsiaPac