PhilÍPPIN – Trung Quốc: Kết quả phân xử


Ngày 12 tháng 7, tòa trọng tài đã ra phán quyết được chờ đợi từ lâu trong vụ kiện của Manila chống lại các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Các quan tòa đã phán quyết như thế nào, và khu vực Biển Đông mà họ xác minh và tuyên bố là có tranh chấp pháp lý có hình dạng như thế nào so với tuyên bố chủ quyền đường chín đoạn hết sức phi lý của Trung Quốc?

 

Tòa trọng tài đã bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh đối với các quyền lịch sử trong đường chín đoạn. Tòa cũng xác minh và tuyên bố rằng Bãi cạn Scarborough là một bãi đá chỉ được hưởng lãnh hải 12 hải lý, đồng thời khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên khi đưa ra phán quyết về tình trạng pháp lý của mọi thực thể ở Quần đảo Trường Sa mà Philíppin đệ trình. Tòa tuyên bố rằng không một thực thể nào ở Quần đảo Trường Sa, kể cả những thực thể tự nhiên lớn nhất — đảo Ba Bình, đảo Thị Tứ, đảo Trường Sa, đảo Song Tử Đông và Song Tử Tây — là đảo hợp pháp vì chúng không có khả năng duy trì một cộng đồng người ổn định hay đời sống kinh tế độc lập. Như vậy, những thực thể đó chỉ được hưởng lãnh hải chứ không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Trong số bảy hòn đảo ở Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng, tòa đã phán quyến rằng Đá Gạc Ma, Đá Châu Viên, Đá Chữ Thập và Đá Gaven là đá, trong khi Đá Tư Nghĩa và Đá Vành Khăn chìm dưới nước vào lúc thủy triều dâng và do đó không tạo ra quyền có vùng biển. Tòa cũng phán quyết rằng Đá Kennan là một mỏm đá ngầm khi thủy triều thấp, trong khi Bãi Cỏ Mây và Bãi Cỏ Rong chìm dưới mặt biển và thuộc thềm lục địa của Philíppin. Tóm lại, những phán quyết này có hiệu lực bác bỏ mọi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong phạm vi đường chín đoạn tới nhiều đảo nhỏ khác ngoài những đảo nhỏ có tranh chấp và các vùng lãnh hải mà chúng tạo ra.