Sau khi giảm mạnh hoạt động từ năm 2016 đến cuối năm 2018, các đội tàu thu hoạch trai của Trung Quốc đã quay trở lại Biển Đông với số lượng lớn trong sáu tháng qua. Những đội tàu này, thường bao gồm hàng chục tàu đánh cá nhỏ đi kèm với một số “tàu mẹ” lớn hơn, phá hủy các dải san hô rộng lớn để đánh bắt những con trai khổng lồ có nguy cơ tuyệt chủng. Vỏ trai được vận chuyển về Tỉnh Hải Nam, nơi mỗi chiếc vỏ có giá trị hàng ngàn đô la trong một thị trường đồ trang sức và tượng phát triển. Kể từ cuối năm 2018, hình ảnh vệ tinh đã cho thấy những đội tàu này hoạt động thường xuyên tại Bãi cạn Scarborough và trên khắp Hoàng Sa, bao gồm cả tại Bãi đá Bông Bay.

Từ năm 2012 đến 2015, những tàu khai thác trai của Trung Quốc đã làm hư hại nặng nề hoặc phá hủy ít nhất 28 bãi đá trên Biển Đông, như đã được ghi chép bởi Victor Robert Lee. Phương pháp điển hình được sử dụng bởi những kẻ săn trộm này bao gồm neo thuyền và sau đó kéo các trụ gia cố của động cơ phía ngoài dọc theo bề mặt bãi đá để phá vỡ san hô, nhằm dễ dàng đánh bắt trai. Các hệ sinh thái đã bị huỷ hoại, và qua đó, vào tháng 7 năm 2016, tòa án trọng tài phán quyết vụ kiện chống lại Bắc Kinh bởi Manila kết luận rằng Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển của mình theo luật pháp quốc tế. John McManus tại Đại học Miami, người đã gửi chứng nhận chuyên môn cho tòa án trọng tài, đã ghi chép hơn 25.000 héc ta thiệt hại với các bề mặt bãi đá nông do việc khai thác trai của Trung Quốc vào năm 2016 (so với khoảng 15.000 héc ta bị hư hại do các hoạt động nạo vét và lấp đất tạo đảo nhân tạo của Trung Quốc).

Quần đảo Hoàng Sa

Hiện tại, cũng như hồi đó, chính quyền Trung Quốc đã nhận thức được và dường như dung thứ những hoạt động của các đội tàu này. Hình ảnh vệ tinh cho thấy những chiếc thuyền thu hoạch ngao đã hoạt động đều đặn tại Bãi đá Bông Bay ở quần đảo Hoàng Sa kể từ cuối năm 2018, bằng chứng rõ ràng nhất là các vệt trầm tích có thể nhìn thấy trong những hình ảnh từ ngày 11 tháng 4. Những vệt đó, cùng với vết lởm chởm lan rộng trên bề mặt bãi đá, là dấu hiệu cho thấy phương pháp khai thác đào bắt được sử dụng trong giai đoạn đầu của việc thu hoạch trai. Và điều này xảy ra bất chấp việc Trung Quốc lắp đặt một “” trên Bãi đá Bông Bay vào tháng 7 năm ngoái. Khả năng giám sát được ghi lại của cơ sở này cho thấy rằng nó đang chuyển tiếp thông tin về tất cả các hoạt động gần bãi đá cho chính quyền Trung Quốc tại Hoàng Sa, tuy nhiên việc thu hoạch trai vẫn tiếp tục diễn ra và không có dấu hiệu suy giảm.

Ở những nơi khác thuộc Quần đảo Hoàng Sa, thiệt hại của việc thu hoạch trai gần đây có thể nhìn thấy rõ trên đảo Bạch Quy. Bãi đá đó không cho thấy có thiệt hại rõ ràng trong hình ảnh được thu thập vào tháng 2 năm 2018. Nhưng đến tháng 11, bãi đá đã bị vấy bẩn bởi những vết lởm chởm do trụ của tàu khai thác.

Bãi cạn Scarborough

Những chiếc thuyền đánh bắt trai cũng đã quay trở lại Bãi cạn Scarborough, đây là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm trong mối quan hệ Trung Quốc – Philíppin. Các bãi đá đã bị phá hủy rộng rãi bởi giai đoạn đầu của việc thu hoạch trai cho đến năm 2016. Nhưng hình ảnh từ tháng 12 năm 2018 cho thấy sự trở lại của một số lượng lớn thuyền đánh bắt trai.

Đối chiếu hình ảnh từ tháng 12 và tháng 3 cũng cho thấy vết nạo vét mới trên bãi đá từ lần khai thác gần đây.

Nhưng Bãi cạn Scarborough cũng đưa ra bằng chứng đầu tiên về một phương pháp thu hoạch trai khác từ các bề mặt bãi đá sâu hơn, nơi các trụ không thể với tới. Khi một đội ngũ đến từ kênh tin tức ABS-CBN ở Philíppin đến Scarborough vào tháng 4, họ đã quay quay lại được việc những chiếc thuyền Trung Quốc sử dụng ống được gắn vào động cơ trên thuyền của họ để khai thác trai. Theo ngư dân địa phương, đây là một phương thức vô cùng huỷ hoại, khiến trầm tích trôi dạt trên vùng nước gần đó. Đây dường như là sự áp dụng cách thức được sử dụng bởi tàu cứu hộ với việc dùng một máy bơm nước áp suất cao tạo ra sức hút đủ mạnh để loại bỏ nhanh chóng trầm tích dưới đáy biển. Và cũng như tại Bãi đá Bông Bay, rõ ràng chính quyền Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được và dung thứ cho các hành vi hủy hoại môi trường này. Cảnh sát Biển Trung Quốc duy trì sự hiện diện liên tục tại Scarborough và được ghi lại ABS-CBN khi đến thăm các tàu khai thác trai.

Phóng viên ABS-CBN cũng đã quay được những đống trai lớn sau khai thác được đánh dấu và gửi qua bãi đá để thu hoạch bởi những kẻ đánh bắt trộm từ Trung Quốc sau đó. Hình ảnh vệ tinh từ tháng 3 dường như cho thấy các đống trai này dưới dạng các đốm trắng lạ thường nằm rải rác xung quanh bãi đá. Chúng không hiện diện trong các hình ảnh trước đó.

Quần đảo Trường Sa

AMTI chưa tìm thấy bằng chứng rõ ràng về hoạt động thu hoạch trai mới ở Quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên vào ngày 7 tháng 4, trong cùng thời gian mà tàu dân quân hàng hải Trung Quốc đang tụ tập quanh Đảo Loại Ta và Đảo Loại Ta Tây do Philíppin chiếm đóng, một tàu mẹ và một số tàu nhỏ đã có mặt tại Đá An Nhơn gần đó. Tàu mẹ dài khoảng 20 mét, trong khi những con tàu được nhìn thấy ở Bãi đá Bông Bay thường dài gần 30 mét, nhưng những chiếc tàu nhỏ hơn có kích thước tương tự nhau.

Sự vắng mặt của các vết nạo vét mới trên Đá An Nhơn sau khi chiếc tàu này rời đi đã cho thấy không có vụ khai thác trai nào diễn ra. Nhưng các phương pháp mới đang được sử dụng để khai thác trai tại Bãi cạn Scarborough cho thấy rằng việc ghi lại các hoạt động của các đội tàu Trung Quốc này đã trở nên khó khăn hơn. Không giống như vết nạo vét của trụ trên bề mặt bãi đá nông, sự phá hủy do máy bơm nước áp lực cao sử dụng ở vùng nước sâu hơn khó có thể nhìn thấy trong hình ảnh vệ tinh. Điều đó cho thấy rằng đối với mọi hoạt động khai thác trai được ghi nhận ở Biển Đông, sẽ có những hoạt động ở nơi khác không được phát rác. Nhưng với hàng chục ngàn héc ta bề mặt bãi đá đã bị hủy hoại hoặc bị phá hủy và trữ lượng cá đang đứng trên bên bờ vực sụp đổ, những tác động của sự hủy hoại môi trường biển này sẽ được nhận thấy trên toàn khu vực.