Philíppin đã bắt đầu tiến hành sữa chữa đường băng vốn đã bị xuống cấp từ lâu trên đảo Thị Tứ, hay còn gọi là đảo Pag-asa. Đây là tiền đồn lớn nhất trong chín tiền đồn của Philíppin tại Quần đảo Trường Sa và là nơi cư trú của hơn 100 thường dân cùng một đồn trú quân sự nhỏ. Đảo Thị Tứ chỉ nằm cách căn cứ không quân và hải quân của Trung Quốc trên Đá Xu Bi khoảng hơn 12 hải lý. Đảo này cũng là địa điểm xảy ra cuộc tranh chấp căng thẳng với đội tàu Trung Quốc hồi tháng 8 năm ngoái. Tháng 4 năm 2017, các quan chức quốc phòng Philíppin công bố rằng họ sẽ nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng trên các đá và đảo mà nước này chiếm giữ, nhưng cho đến nay có rất ít động thái được thực hiện. Bên cạnh việc sửa chữa đường băng, khi đối chiếu những hình ảnh gần đây so với hình ảnh từ hồi tháng 2 năm 2017, có thể thấy rằng trong năm ngoái, Philíppin đã tiến hành một số nâng cấp nhỏ đối với các cơ sở hạ tầng trên đảo Thị Tứ và ba tiền đồn khác.

Hình ảnh vệ tinh từ ngày 17 tháng 5 cho thấy hai sà lan (vốn đã bị đắm nhiều năm trước) neo gần rìa phía tây của đường băng trên đảo Thị Tứ. Có vẻ như sà lan bé hơn ở phía tây đã được lắp đặt một máy nạo vét gồm một cần trục và một gàu ngoạm, trong khi sà lan còn lại chở theo một máy xúc thủy lực. Có thể nhìn thấy cặn từ hoạt động nạo vét tại vùng nước xung quanh hai sà lan cũng như lớp cát mới khai thác dọc theo rìa phía tây của đường băng.

Phương pháp nạo vét này cũng tương tự như phương pháp mà Việt Nam đã dùng tại một số tiền đồn của nước này trong những năm gần đây. Tuy vẫn có ảnh hưởng tới môi trường biển, nhưng quy mô mà phương pháp nạo vét này gây hại cho môi trường nhỏ hơn rất nhiều so với phương pháp nạo vét cắt hút mà Trung Quốc đã áp dụng. Hàng nghìn héc ta của bãi đá đã bị Trung Quốc phá hủy kể từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2017.

Đá san hô bao quanh đảo Thị Tứ khiến cho những tàu lớn không thể tiếp cận, bằng chứng là con tàu cũ kỹ rỉ sét BRP Lanao del Norte, đã bị mắc kẹt tại rìa phía tây bắc của đá này từ năm 2004 cho đến nay. Năm 2014, khi có đề xuất sửa chữa đường băng trên đảo Thị Tứ, các quan chức đã nói rằng sẽ cần phải nạo vét một con kênh để cho phép các tàu lớn vận chuyển máy móc hạng nặng và vật liệu xây dựng ra đảo. Có khả năng lần này cũng sẽ cần một kế hoạch nạo vét một con kênh tương tự.

Đường băng trên đảo Thị Tứ được xây dựng vào những năm 1970 và là đường băng đầu tiên trên Quần đảo Trường Sa. Chiều dài chính thức của đường băng này là 1.300 mét, nhưng do đoạn cuối phía tây bị sụp xuống, nên chiều dài thực tế chỉ còn 1.200 mét. Điều này cộng với tình trạng bề mặt đường băng tồi tàn khiến cho việc hạ cánh và cất cánh của những chiếc C-130 của Philíppin trở nên khó khăn, ví dụ như chiếc chở Đại tướng Gregorio Catapang Jr., và sau đó là Tư lệnh Lực lượng vũ trang Philíppin tới đảo này hồi tháng 5 năm 2015:

Bên cạnh việc bắt đầu sửa chữa đường băng, có thế trông thấy được những nâng cấp khác trên đảo Thị Tứ. Trong năm ngoái, có ít nhất bảy tòa nhà mới đã được xây dựng, trong đó có bốn tòa nhà gần khu vực dân cư ở phần phía đông của đảo, một tòa nhà gần trung tâm hành chính, một tòa nhà khác dọc theo bờ biển phía bắc, và một tòa nhà vừa mới được sơn lại ở phía tây cạnh khuôn viên sân bóng rổ của đảo. Hồi tháng 11, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Philíppin, Delfin Lorenzana cho biết nước này đã bắt đầu xây dựng một bờ dốc mới trên bờ biển để dễ mang hàng viện trợ ra đảo hơn. Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh ngày 17 tháng 5 không thể phát hiện được tuyến bờ dốc này do bị mây che, và không có thêm hình ảnh tuyến bờ dốc mới nào nữa cho tới tháng 2.

Bên cạnh những nâng cấp trên đảo Thị Tứ, những hình ảnh đối chiếu trước và sau của AMTI (Chương trính Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á) cho thấy những nâng cấp nhỏ khác tại: Đá Công Đo (hay Rizal), đảo Vĩnh Viễn (hay Lawak), và đảo Loại Ta Tây (hay còn gọi là đảo Panata).

Một khoang chứa có mái che hình tròn vừa được xây dựng phía đông tiền đồn nhỏ của Philíppin trên đá Công Đo, xuất hiện trong hình ảnh vệ tinh từ ngày 1 tháng 5.

Một khu vực trống trên đảo Vĩnh Viễn vừa được cải tạo thành sân bay trực thăng kể từ ngày 20 tháng 2 năm 2018.

Trên đá An Nhơn, tại tiền đồn hiện đại nhất của Philíppin, một bãi cạn nhỏ và một khoang chứa hình lục giác vừa xuất hiện trên hình ảnh vệ tinh từ ngày 17 tháng 5 năm 2018. Philíppin đang kiểm soát hầu hết đảo Loại La Tây khu vực từ đảo Loại Ta (hay Kota) tới phía đông nam.

Vị trí của tiền đồn này (phía Philíppin gọi là đảo Panata) thường được báo cáo nhầm nằm trên đá An Nhơn về phía đông đảo Loại Ta. Trong khi các báo cáo thường cho rằng đá An Nhơn từng là một cồn cát nhỏ, dường như nó đã bị rửa trôi, chỉ còn lại một đá ngầm và một bãi cát chảy nhỏ. Nếu từng có cơ sở hạ tầng của Philíppin tại đó, thì cơ sở hạ tầng này đã được chuyển sang đảo Loại Ta Tây và lấy tên là “đảo Panata.”

Trong năm ngoái, năm tiền đồn khác của Philíppin trên Quần đảo Trường Sa, tại đảo Loại Ta, đảo Song Tử Tây, đảo Bến Lạc, đảo Bình Nguyên và bãi Cỏ Mây (nơi mà tàu BRP Sierra Madre đã cố tình mắc cạn để trở thành một tiền đồn) đều không được nâng cấp thêm.