Ấn Độ đã bắt đầu âm thầm đầu tư mạnh mẽ vào việc mở rộng quyền lực hải quân và không quân trên khắp Ấn Độ Dương. Nỗ lực này được thúc đẩy bởi hai yếu tố: mong muốn cải thiện quan sát vùng biển và an ninh hàng hải trên toàn khu vực rộng lớn, và nỗi lo lắng của New Delhi về sự xâm nhập của Trung Quốc vào nội bộ chiến lược của mình. Tại thời điểm lực lượng hải quân Trung Quốc đang hoạt động thường xuyên hơn ở Ấn Độ Dương, các nhà hoạch định quân sự ở New Delhi ngày càng lo lắng về một ngày Trung Quốc có thể gây ra mối đe dọa an ninh không chỉ trên biên giới Himalaya mà còn từ vùng biển. Trong khi đó, hoạt động cướp biển, đánh bắt cá bất hợp pháp và các tội phạm hàng hải khác vẫn là mối lo ngại nghiêm trọng và là nguồn gây bất ổn tiềm tàng xung quanh toàn bộ vành đai Ấn Độ Dương. Ấn Độ đang giải quyết những mối lo ngại này qua bốn phương thức.

Quân đội Ấn Độ đang nâng cấp nguồn lực hải quân, cảnh sát biển và không quân để có thể giám sát tốt hơn và tăng cường sức mạnh ở xa bờ hơn. Phần lớn công việc này đã tập trung vào quần đảo Lakshadweep ngoài khơi bờ biển phía tây Ấn Độ và quần đảo Andaman và Nicobar ở phía đông. Ấn Độ cũng đã xây dựng một trạm nghe tại Madagascar để theo dõi giao thông ở tây nam Ấn Độ Dương. Hãy khám phá bản đồ bên dưới để biết thêm chi tiết về các cơ sở này cùng với những nỗ lực khác của Ấn Độ để mở rộng tiềm lực trong khu vực.

Phương thức thứ hai là tập trung vào việc nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải trong khu vực và tạo ra một bức tranh hoạt động chung thông qua Trung tâm Hợp nhất Thông tin Hải quân Ấn Độ cho Khu vực Ấn Độ Dương, hay IFC-IOR. Được thành lập vào năm 2018, trung tâm này xử lý dữ liệu radar và cảm biến từ các quốc gia tham dự và cung cấp dữ liệu cho các đối tác, bao gồm tất cả các thành viên của Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương. Ấn Độ đang giúp các nước láng giềng nhỏ hơn nâng cấp hệ thống radar của họ và đưa chúng vào IFC-IOR. Gần đây nhất, Pháp đã trở thành quốc gia đối tác đầu tiên tiến hành bố trí một sĩ quan liên lạc tại trung tâm.

New Delhi cũng đang mở rộng mối quan hệ quân sự với các nước lớn khác ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Nỗ lực này bao gồm Hiệp định Thư Trao đổi Hậu cần ký kết với Hoa Kỳ vào tháng 8 năm 2016. Hiệp định đó tạo điều kiện cho hai bên tiếp cận các cơ sở quân sự của nhau để bổ sung và tiếp nhiên liệu. Nó được dự kiến sẽ bao gồm căn cứ hải quân Hoa Kỳ tại Diego Garcia, mặc dù cho đến nay chưa có tàu Ấn Độ nào sử dụng cơ sở này. Năm 2018, New Delhi đã ký các hiệp định tương tự để mở rộng quyền tiếp cận vào các cơ sở của Pháp, đặc biệt là căn cứ hải quân ở Réunion, và Căn cứ Hải quân Changi của Singapore. Ấn Độ cũng đã ký một hiệp định hậu cần thứ tư với Hàn Quốc vào tháng 9 năm 2019 và theo thông báo đang hoàn tất các thỏa thuận tương tự với Úc, Nhật Bản, và Nga.

Cuối cùng, New Delhi đã bắt đầu lo ngại về nhiều khoản đầu tư của Trung Quốc vào các cảng quan trọng như Hambantota ở Sri Lanka và Gwadar ở Pakistan, nơi có thể mang lại cho Bắc Kinh một đòn bẩy hiệu quả đối với các nước chủ nhà và phục vụ chức năng kép là trung tâm hậu cần cho quân đội Trung Quốc sau này. Để đảm bảo quyền tiếp cận trong tương lai và củng cố vai trò là nước lãnh đạo khu vực, Ấn Độ đang đầu tư phát triển các cảng và sân bay thương mại trong khu vực. Một số trong những dự án này có thể cung cấp quyền tiếp cận và hỗ trợ hậu cần mà Hải quân Ấn Độ gần đây đã đàm phán tại cảng Duqm, Oman.

Hãy khảo sát bản đồ dưới đây để biết thêm thông tin về các khoản đầu tư chiến lược và quân sự của New Delhi tại Ấn Độ Dương.