Mặc dù trong thời gian gần đây những căng thẳng trong quan hệ Trung – Nhật đã lắng dịu, nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục khai thác và sản xuất các tài nguyên dầu và khí đốt nhạy cảm trên Biển Hoa Đông, bất chấp sự phản đối của Tokyo. Gần đây, Trung Quốc đã triển khai một giàn khoan tự nâng chưa xác định—một loại thiết bị khoan ngoài khơi di động phổ biến—đến các vùng nước tại đầu phía Bắc của chuỗi các giàn khai thác dầu khí trong khu vực. Những giàn khoan này khai thác các vùng mỏ dầu khí trải dài sang phía bên kia của đường trung tuyến giữa hai quốc gia, nơi mà Nhật Bản tạm thời tuyên bố là ranh giới giữa thềm lục địa của Nhật Bản và của Trung Quốc (để biết thêm thông tin về bối cảnh diễn ra tranh chấp, xem bài viết trước của AMTI ở bên dưới). Hình ảnh vệ tinh cho thấy giàn khoan tự nâng mới này có khả năng đã được sử dụng trong công tác khoan thăm dò ít nhất từ ngày 25 tháng 6, mặc dù không có hình ảnh trước đó từ ngày 15 tháng 4.

Các giàn khoan tự nâng di động như thế này được sử dụng cho cả công tác khoan thăm dò và cho công tác tại các giàn khoan ngoài khơi hiện có. Trước khi tiến hành công tác khoan mới, một chân đế được lắp đặt dưới đáy biển nhằm phục vụ cho công tác dẫn hướng khoan. Sau đó giàn khoan được kéo vào vị trí gần đó, tháp khoan được đặt trên chân đế và được khoan sâu. Năm ngoái, Trung Quốc đã triển khai ba giàn khoan tự nâng khác vào khu vực này, được xác định bằng các tín hiệu từ hệ thống nhận dạng tự động (AIS) như Haiyang Shiyou 942, Kantan Qihao và Kaixuan Yihao (xem bên dưới). Với trường hợp của giàn khoan Haiyang Shiyou 942, ảnh vệ tinh từ tháng 6 năm 2017 đã không chỉ chụp được hình ảnh của giàn khoan tự nâng, mà còn chụp được hình ảnh tàu đã lắp đặt chân đế giàn khoan.

Nếu công tác khoan thăm dò phát hiện ra dầu hoặc khí, giếng sẽ được phủ bằng đầu giếng và sau đó quá trình sản xuất có thể bắt đầu. Trung Quốc hiện có 14 giàn khoan đầu giếng gần đường trung tuyến, và chúng đều được AMTI ghi chép lại các giai đoạn thi công xây dựng khác nhau. 14 giàn khoan đầu giếng này, cùng với giàn khoan di động mới được triển khai, được thể hiện trong bản đồ cập nhật sau đây:

Hai trong số ba giàn khoan tự nâng này được triển khai vào năm ngoái – Kantan Qihao và Kaixuan Yihao – đã bị xóa khỏi bản đồ. AIS cho thấy rằng họ đã rời khỏi khu vực này, và hình ảnh vệ tinh tiếp theo cho thấy không có giàn khoan hay chân đế nào tại khu vực này. Điều này cho thấy chúng đã được tháo dỡ sau công tác khoan thăm dò. Theo AIS, giàn khoan tự nâng thứ ba, Haiyang Shiyou 942, cũng đã rời khỏi khu vực, nhưng AMTI chưa thể xác nhận liệu giàn khoan đầu giếng tiếp sau đó có được xây dựng tại vị trí này hay không. Ở thời điểm hiện tại, vị trí này được đánh dấu là “có khả năng xuất hiện giàn khoan” trên bản đồ.


Tháng Mười Một 21, 2017

Cuộc tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo trong lĩnh vực dầu khí trên Biển Hoa Đông vẫn là nguyên nhân dẫn tới xích mích dai dẳng và làm tăng căng thẳng về vấn đề lãnh hải trong mối quan hệ giữa hai bên. Vấn đề này ít nhận được sự quan tâm hơn so với cuộc tranh chấp lãnh thổ trên Quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư)—ít biến động hơn so với tình hình leo thang tại Biển Đông—nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc chấp ở vùng thềm lục địa này đã lắng dịu. AMTI  vấn đề gia tăng số lượng giàn khoan dầu của Trung Quốc tại khu vực này, chúng được lắp đặt bất chấp sự phản đối của Tokyo. Năm 2017, Trung Quốc đã lắp đặt 3 giàn khoan mới tại khu vực này, cùng với đó là sự tăng vọt trong hoạt động của các tàu dịch vụ Trung Quốc.

Giàn khoan mới đầu tiên, Haiyang Shiyou 942, thuộc sở hữu của Drilling China Oilfield Services (Cơ quan Dịch vụ Dàn khoan Trung Quốc) và được lắp đặt vào khoảng trước hoặc trong ngày 18 tháng 2 năm 2017. Kantan Qihao, giàn khoan tự nâng thuộc sở hữu của Sinopec Offshore Oilfield Services (Dịch vụ Dầu mỏ Xa khơi Sinopec) dường như được đưa tới khu vực trong khoảng từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 7. Và gần đây nhất, giàn khoan Kaixuan Yihao thuộc sở hữu của CIMC Raffles Offshore đã được lắp đặt vào khoảng ngày 19 tháng 8.

Những giàn khoan hướng tới các mỏ dầu khí nằm quanh đường trung tuyến giữa hai nước, nơi mà Nhật Bản tuyên bố là đường ranh giới giữa thềm lục địa của nước này so với thềm lục địa của Trung Quốc. Trung Quốc không công nhận đường trung tuyến này và tuyên bố rằng vùng thềm lục địa được mở rộng về phía đông của Trung Quốc phải trải dài hơn thế. Tuy nhiên, theo quan điểm của Tokyo, Bắc Kinh đang đơn phương khai thác nguồn tài nguyên chung mà đáng lẽ phải được chia sẻ giữa hai quốc gia. Trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng, Trung Quốc và Nhật Bản đã tiến tới ký kết thỏa thuận năm 2008 nhằm thiết lập vùng phát triển chung dọc theo đường trung tuyến và tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Nhật Bản hợp tác với các đối tác Trung Quốc để khai thác các vùng mỏ lân cận.

Rất tiếc là tình hình căng thẳng giữa hai nước đã bùng phát kể từ sau năm 2008 và thỏa thuận đó vẫn chỉ nằm trên giấy tờ. Trung Quốc vẫn tiếp tục lắp đặt những giàn khoan rất gần nhưng không vượt qua đường trung tuyến được Nhật Bản tuyên bố (và nằm bên ngoài vùng phát triển chung). Hoạt động này giúp Trung Quốc có thể khẳng định mình không vi phạm thỏa thuận năm 2008 hay Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển trong khi phớt lờ nguyên tắc công bằng đằng sau cả hai văn bản. Rất nhiều những giàn khoan đã mọc lên và đi vào hoạt động tại khu vực này, được thấy qua những hình ảnh giàn khoan phát sáng trên hình ảnh vệ tinh (xem thư viện ảnh nằm ở cuối trang) cùng với những tàu dịch vụ của Trung Quốc hoạt động thường xuyên tại các khu vực gần với đường trung tuyến (phần lớn từ bờ biển thành phố Châu Sơn).

Trong khoảng thời gian từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 9, AMTI đã sử dụng dữ liệu hệ thống nhận dạng tự động (AIS) từ Windward để theo dõi hoạt động của các tàu Trung Quốc trong khu vực xung quanh các giàn khoan. Bản đồ bên dưới mô tả hoạt động của 10 tàu bảo dưỡng cho các giàn khoan trong thời gian từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 9. Mỗi dấu chấm biểu thị một trường hợp máy thu dựa trên vệ tinh hoặc bờ biển nhận được tín hiệu AIS từ một tàu dịch vụ. Mặc dù hệ thống này chưa thực sự hoàn hảo bởi vẫn còn tồn tại khoảng trống trong thống kê do máy thu có thể bị tắt hoặc không nhận được tín hiệu vì nhiều lý do, nhưng công cụ này giúp làm rõ những biến động tại khu vực trong giai đoạn này. Bản đồ bên dưới mô tả từng tàu được đề cập dựa trên dữ liệu có hạn. Rất có khả năng là còn nhiều tàu khác hoạt động ở khu vực xung quanh các giàn khoan trong thời gian này nhưng những máy thu AIS không nhận được tín hiệu từ những tàu đó.

Trong bản đồ dưới đây, phóng to và thu nhỏ bản đồ để xem kỹ hơn vị trí của giàn khoan hoặc đường tàu di chuyến. Bạn có thể tạm dừng ảnh động theo thời gian, nhấn và kéo trên dòng thời gian để xem tất cả dữ liệu AIS theo phạm vi ngày cụ thể.